Hoạt động xúc tiến thương mại: Đừng để cái khó bó cái khôn

Giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam - Vietnam Expo 2016. Ảnh: TRẦN HẢI

Với việc tham gia một loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng chưa từng có. Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của bối cảnh mới, hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) cần được nâng cao cả về chất và lượng, triển khai phối hợp đa dạng nhiều biện pháp cả trong nước lẫn ngoài nước, hướng tới mục tiêu tăng cường tối đa tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong công tác XTTM.

Xúc tiến thương mại tại chỗ

Đã thành thông lệ, cứ đến tuần lễ đầu tiên của tháng 12 hằng năm, Hiệp hội Cao-su Việt Nam (VRA) sẽ lại đứng ra tổ chức Hội nghị doanh nghiệp (DN) cao-su quốc tế. Với sự góp mặt thường xuyên của khoảng 800 đại biểu đến từ hơn 300 nhà sản xuất, thương mại của ngành cao-su toàn cầu, sự kiện này đã trở thành một dấu ấn quan trọng, được coi như ngày truyền thống của ngành cao-su không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Phó Chủ tịch VRA Võ Hoàng An cho biết: Tại Hội nghị, các DN trong nước sẽ có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều “đồng nghiệp” lớn tại nước ngoài cũng như những nhà thương mại hàng đầu trong ngành cao-su.

Trong khuôn khổ Hội nghị còn diễn ra nhiều hội thảo, nơi các chuyên gia đầu ngành cao-su của thế giới cùng ngồi lại để thảo luận và đưa ra những dự báo quan trọng về thị trường, giá cả cũng như đánh giá về cung và cầu trong thời gian tới. Đây cũng là dịp để các DN, nhà thương mại cao-su có điều kiện tìm hiểu thông tin, chia sẻ kinh nghiệm cũng như kỹ thuật sản xuất,… Cũng theo ông An, nhờ việc hằng năm tổ chức sự kiện nêu trên, ngành cao-su Việt Nam đã có sự kết nối rất chặt chẽ với các hiệp hội cao-su của nhiều quốc gia khác. Từ đó, thông qua lời giới thiệu của các hiệp hội ngành cao-su uy tín như của Thái-lan, Ma-lai-xi-a,… DN Việt Nam có thể dễ dàng có được sự tin tưởng từ các nhà sản xuất và khách hàng quốc tế khác.

Cách làm của VRA chính là một hoạt động XTTM, còn được gọi là XTTM tại chỗ. Nghĩa là, tổ chức triển lãm quốc tế, hội nghị quốc tế ngành hàng,… ngay tại “sân nhà”. Bà Nguyễn Kim Anh, đại diện của Công ty CP chè Hiệp Khánh nhìn nhận: XTTM tại chỗ chính là cơ hội tốt nhất cho các DN nhỏ và vừa. Nhờ các hoạt động diễn ra ngay trong nước, các DN sẽ tiết giảm được nhiều chi phí và có đủ điều kiện để tham gia. Theo tính toán, chi phí cho một gian hàng ở hội chợ tại nước ngoài có diện tích khoảng 9 m2 thường có giá từ ba đến bốn nghìn USD, trong khi tại Việt Nam chỉ khoảng 10 triệu đồng, đồng thời có thể tiết kiệm các chi phí khác như đi lại, ăn ở, vận chuyển hàng hóa…

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, XTTM tại chỗ ngoài mục đích xúc tiến xuất khẩu còn là cơ hội quảng bá hình ảnh về đất nước con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, việc tổ chức các hoạt động này ở Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng phục vụ công tác XTTM vẫn còn thiếu thốn và sơ sài, kém xa so với các nước trong khu vực. Các trung tâm hội chợ triển lãm (HCTL) hiện tại chưa thể đáp ứng việc tổ chức các hoạt động có quy mô lớn, thiết kế không phù hợp với các hoạt động XTTM hiện đại; một số còn xuống cấp do sử dụng nhiều năm; nhiều địa phương vẫn chưa có trung tâm HCTL, hoặc đã có nhưng lại bị chuyển đổi công năng sử dụng. Vì vậy, những hoạt động XTTM trong nước nhiều khi đã không đạt được quy mô đủ để thu hút những khách hàng lớn, người mua tiềm năng, khiến hiệu quả bị giảm sút đáng kể.

Tuy XTTM tại chỗ có rất nhiều ưu điểm, nhưng không vì thế mà có thể phủ nhận hiệu quả to lớn của việc tham gia các HCTL tại nước ngoài. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) Phan Thị Thanh Xuân chia sẻ: Đối với các DN da giày, việc hiện diện ở hội chợ quốc tế chính là sự khẳng định với thế giới rằng Việt Nam vẫn có vị trí rất tốt trong ngành da giày thế giới. Tham gia các hội chợ này cũng giúp DN nắm bắt được những thay đổi của thế giới, đặc biệt với những sản phẩm da giày là mặt hàng thời trang, có sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, mẫu mã hay xu hướng,… từ đó, cho chúng ta cái nhìn bao quát về bối cảnh chung của cả một nền công nghiệp hay của một ngành trên toàn thế giới. Đó chính là những giá trị không thể thay thế hoặc có được bằng những phương thức xúc tiến khác.

Doanh nghiệp cùng gắng sức

Hội nhập quốc tế đem lại nhiều cơ hội cho DN mở rộng thị trường xuất khẩu nước ngoài. Hơn bao giờ hết, hoạt động XTTM đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc hỗ trợ DN trong nước tận dụng tối đa các cơ hội này, nhất là thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Bộ Công thương đã chỉ đạo Cục XTTM và các cơ quan liên quan triển khai nhiều hoạt động XTTM thiết thực, trong đó chú trọng việc khai thác, mở rộng các thị trường Việt Nam đã ký và đang đàm phán FTA. Cục XTTM cũng sẽ tập trung triển khai các chương trình hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với nhiều hình thức mới đa dạng, thiết thực, mang lại hiệu quả cao như tham gia HCTL chuyên ngành, tổ chức đoàn giao dịch thương mại giúp duy trì kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm, mở rộng thị trường xuất khẩu tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng… Đặc biệt, hướng sự chú ý tới các thị trường Việt Nam đã hoặc chuẩn bị ký kết các FTA, nơi các sản phẩm của Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu lớn trong tương lai.

Cục XTTM cũng sẽ phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức XTTM cập nhật thông tin đầy đủ nhất về các thị trường cho DN trong nước; phối hợp với các dự án quốc tế, tổ chức nước ngoài xây dựng chiến lược phát triển cho các ngành hàng và nâng cao năng lực xuất khẩu cho các DN; tăng cường liên kết với các cơ quan, tổ chức liên quan và các tập đoàn đa quốc gia để đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị quốc tế và quan trọng nhất là thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và năng lực cho DN Việt Nam trong xây dựng và phát triển thương hiệu của hàng Việt, nhờ đó tăng khả năng cạnh tranh của DN trên thị trường trong nước và quốc tế. Ông Nguyễn Hữu Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phong Châu - một DN ngành da giày kiến nghị: Đối với các DN nhỏ và vừa, việc “chen chân” vào các thị trường lớn sẽ rất khó khăn. Vì vậy, các hoạt động XTTM cũng nên hướng tới việc phát triển các thị trường nhỏ và thích hợp hơn với khả năng cạnh tranh của DN nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các hoạt động XTTM có sự hỗ trợ của Nhà nước thì chính các DN cũng nên chủ động hơn trong việc tìm kiếm bạn hàng và thị trường, phát huy tốt tinh thần Nhà nước và DN cùng đồng hành. Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Nhà nước sẽ không làm thay DN mà chỉ hỗ trợ DN trong các hoạt động XTTM. Thực tế hiện nay, một số ngành hàng xuất khẩu của chúng ta như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại,… đều đang tăng trưởng tích cực nhưng lại chưa bao hàm yếu tố bền vững, trong đó có vấn đề thị trường.

DN Việt Nam là đối tượng hưởng lợi trực tiếp trong các nỗ lực đẩy mạnh hiệu quả các hoạt động XTTM, phát triển thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, để công tác XTTM đạt hiệu quả cao và mang lại cơ hội tốt cho các DN thì ngoài những hỗ trợ của Nhà nước, các DN cũng cần cố gắng tự thân phát triển. Theo đó, DN cần chú trọng nâng cao hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cho hàng hóa của mình, xây dựng và phát triển thương hiệu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng kiến nghị, các DN Việt Nam cần chủ động, sáng tạo hơn trong việc tìm hiểu thông tin và tham gia vào mạng lưới XTTM để thường xuyên được tiếp cận các cơ hội mà hoạt động XTTM đem lại.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng: Các DN cần cải tiến cách thức tiếp cận khách hàng và nâng cao kỹ năng tiếp thị cho nhân viên của mình hướng tới mức độ chuyên sâu. Ngày nay, việc tham gia HCTL không chỉ đơn thuần là mang hàng ra chợ và ngồi chờ khách hàng đến hỏi mua mà DN cần phải biết cách làm sao lôi kéo, thu hút khách hàng tiềm năng đến gian hàng của mình, thay vì đến với công ty khác hoặc quốc gia khác từ trước khi hội chợ diễn ra. Việc chọn lựa hình ảnh, chắt lọc thông tin để đưa ra quảng bá tiếp thị cũng cần chuyên nghiệp hơn, tránh tham lam khi đưa ra quá nhiều hình ảnh và thông tin rối rắm, khó để lại ấn tượng cho khách hàng. Và sau cùng, là phải làm cách nào để họ liên lạc với mình sau khi gặp gỡ tại “khu chợ đông đúc” đó thì may ra DN mới có cơ hội bán được hàng.

Nếu thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ kể trên, chắc chắn thời gian tới, nhiều DN trong nước sẽ có thể khai thác hiệu quả hơn các lợi ích từ các FTA mang lại, thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA. Đồng thời, thông qua hoạt động XTTM, DN cũng có cơ hội từng bước phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng trong từng sản phẩm; phát triển sản phẩm mới, tiến tới xuất khẩu giá trị cao và bền vững. “Thực hiện được những mục tiêu trên, chúng ta hoàn toàn có cơ sở tin tưởng các DN Việt Nam sẽ có năng lực tận dụng hiệu quả cơ hội từ quá trình hội nhập quốc tế”, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Bình luận của bạn