Hội chợ hàng Việt TP Hà Nội 2017: Mở kênh tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp Thủ đô
Hội chợ hàng Việt TP Hà Nội 2017 (dự kiến diễn ra từ 21 - 25/9) không chỉ đem đến cho người tiêu dùng (NTD) cơ hội mua sắm hàng hóa của các DN trong nước mà còn tạo điều kiện cho các DN, làng nghề Hà Nội quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu.
Đó là khẳng định của lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội tại buổi họp triển khai kế hoạch tổ chức Hội chợ hàng Việt và Hội nghị giao thương kết nối cung cầu giữa Hà Nội với các tỉnh bạn (sáng 21/7).
Cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt
Đây là lần thứ 5 Hội chợ hàng Việt TP Hà Nội được tổ chức, qua đó đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn TP Hà Nội. Mặc dù được tổ chức thường niên, nhưng hội chợ hàng Việt năm nay có quy mô lên đến 300 gian hàng, thu hút 200 DN Hà Nội và các tỉnh, thành trong nước tham gia bày bán sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, trong đó có những mặt hàng công nghiệp chủ lực của Hà Nội.Các nhóm sản phẩm, ngành hàng tham gia trưng bày tại hội chợ là các sản phẩm chất lượng cao bao gồm: Hàng thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng thiết yếu. Nhóm hàng thời trang, dệt may, giày dép. Nhóm hàng điện, điện máy, điện tử, máy tính. Đồ gia dụng, nội thất gia đình, thủ công mỹ nghệ... Bên cạnh đó, hội chợ còn có khu khu trưng bày hàng thật hàng giả nhằm giúp NTD mua đúng hàng hóa bảo đảm chất lượng.
Đặc biệt, hội chợ hàng Việt TP Hà Nội 2017 còn tổ chức khu giới thiệu thương hiệu và các sản phẩm sản phẩm làng nghề, nông sản, thực phẩm đã qua chế biến, thịt gia súc gia cầm đảm bảo ATTP phẩm của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. "Đây là hoạt động hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất của Hà Nội quảng bá thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm, đưa hàng Việt tiếp cận NTD” - bà Lê Thị Kim Oanh - Phó Trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội khẳng định.
Liên kết tiêu thụ sản phẩm
Cùng với sự tham gia của DN trên địa bàn, Hội chợ năm nay cũng nhận được sự hưởng ứng của 40 tỉnh, thành bạn như Thái Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Ninh Thuận, Kiên Giang, Bình Thuận… giới thiệu những sản phẩm đặc sản vùng miền như: Chè (Thái Nguyên), nước mắm (Ninh Thuận), gạo tám (Điện Biên)… Đây là kết quả từ những nỗ lực của ngành công thương Hà Nội trong thời gian qua với việc tổ chức những chương trình hợp tác, tiêu thụ sản phẩm tại các địa phương trên cả 3 miền Bắc – Trung - Nam. Thông qua hoạt động này, ngành công thương Hà Nội đã kết nối cho hàng chục DN các tỉnh, thành đưa hàng Việt vào hệ thống bán lẻ hiện đại tiêu thụ. Ngoài ra, còn hỗ trợ các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Sóc Trăng trong việc “giải cứu” nông sản. Cụ thể, trong tháng 6 vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Sở Công Thương Bắc Giang tổ chức Tuần lễ Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) tại siêu thị Big C, dự kiến thời gian tới phối hợp với Sở Công Thương Hưng Yên tổ chức Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Hội chợ hàng Việt TP Hà Nội 2017 cũng là cơ hội cho DN Hà Nội và các tỉnh, thành tiếp xúc trực tiếp với hệ thống phân phối, qua đó trao đổi thông tin, đẩy mạnh liên kết trong đầu tư sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh doanh mở rộng thị trường... Các DN bán lẻ chủ lực như: Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Siêu thị AEON, Big C, Công ty CP Nhất Nam… cũng đã đưa ra những yêu cầu, quy định về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, mẫu mã sản phẩm để đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại. “Đây là cơ hội để DN Việt có thể tự đánh giá được vị trí của mình để từng bước nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm phù hợp quy chuẩn quốc tế” - bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.