Hưng Yên tăng tốc đưa nông sản lên Sàn thương mại điện tử thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến"
Tiếp nối các chương trình kết nối thương mại điện tử ở các tỉnh, thành phố đã triển khai liên tục thời gian qua, ngày 24/6/2021, tại thành phố Hưng Yên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên tổ chức “Hội nghị tập huấn phổ biến kiến thức phát triển nguồn nhân lực Thương mại điện tử năm 2021” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận phương thức cung ứng mới, đưa sản phẩm nông sản phân phối trên “Gian hàng Việt trực tuyến".
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 số 131/KH-UBND, tỉnh Hưng Yên nhận định việc đưa nông sản lên Sàn thương mại điện tử là hướng đi trọng tâm, mũi nhọn; được tỉnh tích cực triển khai trong thời gian tới. Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức Hội nghị kết nối thương mại điện tử, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, sản phẩm của Hưng Yên thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các Sàn thương mại điện tử và môi trường số.
Tham gia Hội nghị có Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Lãnh đạo Sở Công Thương Hưng Yên, Đại diện các Sàn thương mại điện tử Sen Đỏ, Vỏ Sò, ViettelPost Hưng Yên và các đối tác như Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng VPBank, Công ty cổ phần iCheck .. và hơn 100 Doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
Ông Trần Văn Cường – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên đánh giá cao hỗ trợ của Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên thương mại điện tử
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã của tỉnh Hưng Yên đã được nghe giới thiệu tổng thể thông tin về Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các Sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso. “Gian hàng Việt trực tuyến" là chương trình do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phối hợp với các Sàn thương mại điện tử triển khai từ đầu năm 2020 và được cho là một trong những nỗ lực của Bộ Công Thương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất Việt mở rộng kênh phân phối, phát triển hệ thống phân phối hiện đại bằng các giải pháp chuyển đổi số, liên kết theo chuỗi, ứng dụng hình thức thương mại điện tử và công nghệ số.
Ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Bộ Công Thương
Trọng tâm của hội nghị, nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh hiểu rõ hơn về Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các Sàn thương mại điện tử, ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số chia sẻ, là đơn vị triển khai thiết kế xây dựng, phối hợp chặt chẽ với các sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam như Sendo, Voso (Viettel Post)... với mô hình phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, “Siêu thị hàng Việt uy tín” này đã mở ra một kênh phân phối hàng hóa mới, hiện đại, được quản lý chặt chẽ giúp các nhà sản xuất hàng Việt định vị đúng giá trị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp sản xuất Việt Nam. Bên cạnh đó, người tiêu dùng trên toàn quốc có thể hoàn toàn yên tâm khi mua sắm trong siêu thị hàng Việt này khi chất lượng hàng hoá được giám sát và quản lý với sự phối hợp của cơ quan chức năng địa phương.
Thời gian vừa qua, chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” cùng các Sàn thương mại điện tử đã tổ chức những sự kiện mang tính lan toả và đem lại hiệu quả vô cùng thiết thực. Cụ thể, Cục thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với các Sàn thương mại điện tử Sendo.vn, Voso.vn (Viettel Post) thông qua Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến" tiêu thụ nông sản, sản phẩm địa phương như “Ngày đặc sản Sơn La" (Sendo.vn), “Ngày hội xứ Dừa - Quê hương Bến Tre” (Sendo.vn), đẩy mạnh tiêu thụ Hành tím Sóc Trăng (Voso.vn), Phiên chợ Nông sản Việt trên Sàn thương mại điện tử Sendo, chương trình hỗ trợ tiêu thụ Vải thiều Thanh Hà, Hải Dương, hay gần đây nhất là chương trình đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên 6 Sàn thương mại điện tử tại Việt Nam (bao gồm cả Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada và Postmart) đã hỗ trợ tiêu thụ hàng nghìn tấn vải thiều thương phẩm. Đặc biệt, lần đầu tiên quả vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu thành công lô đầu tiên sang thị trường Châu Âu thông qua nền tảng thương mại điện tử Voso Global của Viettel Post qua chương trình hợp tác giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Viettel Post.
Với những kinh nghiệm cùng các Sàn thương mại điện tử vận hành chương trình thời gian qua, Doanh nghiệp cả nước nói chung cũng như Doanh nghiệp Hưng Yên nói riêng hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, “Gian hàng Việt trực tuyến" chính là sân chơi uy tín, tin cậy, tạo ra hướng đi mới, ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, khi tham gia vào “Gian hàng Việt trực tuyến" Doanh nghiệp sẽ được các chuyên gia thương mại điện tử “cầm tay chỉ việc", tư vấn hoàn toàn miễn phí từng bước từ khâu đăng kí gian hàng, xử lý hình ảnh, đăng bán, đóng gói, giao hàng, các kĩ thuật đẩy mạnh tiêu dùng hiện đại… Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt tham gia phân phối trên “Gian hàng Việt trực tuyến” còn được hỗ trợ truyền thông quảng bá sản phẩm, được hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt từ các sàn thương mại điện tử, được hỗ trợ chi phí chuyển phát, và hỗ trợ các giải pháp tài chính từ các đối tác của chương trình.
Ảnh toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong tỉnh và đơn vị phân phối hàng hóa có cơ hội trao đổi, tìm hiểu về việc phát triển kinh doanh trên môi trường trực tuyến. Đại diện Sàn thương mại điện tử Sendo, Voso cũng đã trực tiếp giới thiệu, hướng dẫn quy trình và cách thức phân phối hàng hóa, chính sách ưu đãi do các sàn thương mại điện tử xây dựng nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử.
Đại diện Sàn thương mại điện tử Sendo chia sẻ quy trình và cách thức phân phối hàng hoá, chính sách ưu đãi do Sàn TMĐT xây dựng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp
Bà Vũ Thị Thu Trang - Đại diện Sàn thương mại điện tử Voso chia sẻ quy trình và cách thức phân phối hàng hoá, chính sách ưu đãi do Sàn TMĐT xây dựng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp
Ngoài ra, với tư cách là đối tác đồng hành của Chương trình, Ngân hàng Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) thông qua Hội nghị đã giới thiệu các giải pháp tài chính số như hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi trong khuôn khổ “Gian hàng Việt trực tuyến”. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được nhận vốn ngay mà không cần tài sản thế chấp, cấp vốn tín chấp ưu đãi cho doanh nghiệp giảm 1-2% lãi suất, ưu đãi các gói quản lý dòng tiền cho doanh nghiệp và nhiều chính sách ưu đãi khác chỉ dành riêng cho doanh nghiệp tham gia chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến".
Bên cạnh đó, giải pháp truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, sản phẩm nông sản của Công ty Cổ phần iCheck cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hội nghị lần này như là một giải pháp quản lý chất lượng hàng hoá từ khâu sản xuất tới tay người tiêu dùng.
Với những giải pháp trên, doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên hoàn toàn có thể tiếp cận được sự hỗ trợ đồng bộ từ cơ quan quản lý cũng như các đối tác và nguồn lực khác để chủ động tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng hàng hoá cũng như phát triển hệ thống phân phối theo hướng hiện đại.
Liên hệ kết nối doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt: Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương Điện thoại hỗ trợ: 0989052055 Email: hangvietonline@moit.gov.vn |