Hướng tới mục tiêu người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam

Năm 2019, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) sẽ chính thức bước vào năm thứ 10. Sau chặng đường 10 năm, CVĐ được kỳ vọng sẽ chuyển sang giai đoạn mới khi không phải vận động mà người tiêu dùng sẽ tự hào sử dụng hàng Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Trương Thị Ngọc Ánh – Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ - cho biết, sau 9 năm triển khai, điểm nổi bật nhất CVĐ đạt được là đã được triển khai sâu rộng từ trung tâm đến tận các khu dân cư, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… Nhờ đó tạo sự lan tỏa trong nhân dân, góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp (DN) trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng mẫu mã hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài ra, xây dựng thành công các mô hình để triển khai, tạo sự hiểu biết và nhận diện hàng hóa Việt Nam cũng như cảnh báo người tiêu dùng về tình trạng hàng giả, hàng nhái.

Nhờ đó, tỷ lệ hàng Việt Nam trong hệ thống phân phối ngày càng cao ở cả những địa phương khó khăn. Đơn cử, theo Sở Công Thương tỉnh Sơn La, tỷ lệ hàng Việt Nam tại hệ thống phân phối trên địa bàn chiếm trên 60%. Người tiêu dùng địa phương ngày càng ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt Nam nhờ chất lượng tốt, giá cả phải chăng.

Trong năm nay, để tạo tiền đề cho việc thực hiện tổng kết 10 năm thực hiện CVĐ, Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ đã và đang triển khai các chương trình hỗ trợ mạnh cho DN trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đơn cử, nhân rộng các Điểm bán hàng Việt Nam hoặc thực hiện những đề án kết nối cung - cầu, tạo ra sự gặp gỡ giữa người tiêu dùng và DN, người tiêu dùng với sản phẩm trong nước, DN sản xuất và DN phân phối… Bên cạnh đó, hỗ trợ, khuyến khích DN tiếp tục xây dựng thương hiệu, xây dựng vị thế trên thị trường, giữ được thị phần trong xu thế hiện nay. Ngoài ra, tiếp tục tuyên truyền vận động để các thương hiệu Việt đã được xây dựng ngày càng lan tỏa hơn; tăng cường quản lý thị trường để khắc phục tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Riêng với Bộ Công Thương, trong năm 2018, Bộ đang triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ DN nhỏ và vừa cải thiện chất lượng hàng hóa. Cụ thể, tăng cường kết nối giữa khối DN FDI với DN nhỏ và vừa Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa của DN Việt; tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cạnh tranh, bảo đảm đủ tiêu chuẩn chất lượng có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm tiêu dùng đa dạng và ngày càng cao. Việc này nhằm mục đích cung ứng sản phẩm cho cơ sở bán lẻ, giảm sự phụ thuộc vào hàng cùng loại nhập khẩu.

Ngoài ra, kết nối DN nhỏ và vừa với hệ thống phân phối để mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt Nam. Mục tiêu hàng đầu Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ hướng tới là chuyển từ khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam.

Bình luận của bạn