Hướng tới xuất khẩu trái cây bền vững
UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) xác định nhiệm vụ quan trọng thời gian tới là tập trung phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao với quy mô đủ lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đáp ứng thị trường nội địa, hướng tới xuất khẩu bền vững.
Hình thành vùng cây ăn quả tập trung
Huyện Lục Ngạn không chỉ nổi tiếng với những trái vải thiều, mà còn đầy ắp những trái ngọt quanh năm như: Nhãn, cam, bưởi, táo, lê… Đến những xã có diện tích cây ăn quả lớn như: Hồng Giang, Thanh Hải, Tân Quang… những ngày này, nghìn nghịt xe tải về “ăn hàng”. Đi đến đâu, cũng thấy người dân vui vẻ nói với nhau chuyện cây cam, cây bưởi… năm nay được mùa lại được giá.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn – hồ hởi cho biết: Lục Ngạn đã và đang hình thành vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc với diện tích hơn 26.000 ha. Nhiều loại trái cây chất lượng thơm, ngon mang đặc trưng riêng như: Vải thiều, cam, bưởi, táo… thậm chí chất lượng còn cao hơn nơi khởi sinh ra nó. Sản lượng cây có múi hàng năm khoảng gần 30.000 tấn và ngày càng tăng cao…
Thời gian sản xuất, tiêu thụ trái cây của Lục Ngạn kéo dài liên tục 10 tháng/năm, mang về cho người dân nơi đây thu nhập hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm. Nhiều sản phẩm trái cây không chỉ có sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, mà còn xuất khẩu sang thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…, được người tiêu dùng ưa thích.
Đẩy mạnh kết nối các kênh phân phối
Chia sẻ tại Hội thảo “Kết nối trái cây với các kênh phân phối” do Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức, ông Nguyễn Đức Kiên – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang – cho rằng: Với hơn 93 triệu dân trong nước, phải tính toán làm sao để mỗi người dân được tận hưởng đủ những đặc sản của tổ quốc. Nếu phát huy, khai thác được tốt thị trường trong nước thì đây cũng là thị trường tiêu thụ lớn.
Để đẩy mạnh kết nối trái cây Lục Ngạn vào các kênh phân phối, ông Trần Quang Tấn – Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang – khẳng định: Ngoài việc tổ chức các hội nghị kết nối cung – cầu tiêu thụ nông sản với các tỉnh có cửa khẩu và các thành phố lớn như Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2016, Sở Công Thương Bắc Giang đã tham mưu với UBND tỉnh ký kết kế hoạch hợp tác, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kiểu dáng bao bì, tem, nhãn hiệu hàng hóa, hình ảnh sản phẩm đặc sản, chủ lực của tỉnh; nhất là các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với khách hàng trong và ngoài nước. “Trên cơ sở đó, chúng tôi tham mưu tổ chức thành công Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang tại Hà Nội năm 2016 lần thứ nhất. Việc tổ chức Ngày hội trái cây lần thứ nhất năm 2016 tiếp tục là giải pháp giúp trái cây Bắc Giang tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định và phát triển tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại…” – ông Tấn nhấn mạnh.