Kết nối giao thương các doanh nghiệp ngành thực phẩm

Hội nghị quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2017 vừa diễn ra sáng ngày 16/11 thu hút ​khoảng 300 doanh nghiệp ngành thực phẩm Việt Nam nhằm kết nối giao thương, cùng tìm cơ hội cung cấp hàng hóa cho các nhà phân phối trong và ngoài nước.

Với nguồn hàng hóa nông lâm thủy sản dồi dào phong phú, Việt Nam có lợi thế lớn để sản xuất các mặt hàng thực phẩm chế biến. Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang ngày càng gia tăng. Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 10/2017, hiện có 295 dự án FDI với hơn 4 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt, riêng trong tháng 10/2017, đã có 40 dự án với hơn 356 triệu USD vốn đăng ký, tăng 11,5% về số vốn và 12,1% về số dự án so với cùng kỳ năm 2016. Bởi vậy, việc kết nối các doanh nghiệp với nhau, hay với các nhà phân phối trong và ngoài nước sẽ tạo cơ hội lớn để thúc đẩy toàn ngành phát triển.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Tại Hội nghị quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam với chủ đề “Nâng cao chuỗi giá trị trong ngành thực phẩm Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, với những lợi thế và tiềm năng đặc trưng, ngành công nghiệp thực phẩm (CNTP) được xác định là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và phát triển kinh tế xã hội.

“Trong bối cảnh hiện nay, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành CNTP, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các bộ/ngành, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức và doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động, thực hiện các giải pháp cụ thể trong việc phát triển thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm từng bước gia tăng giá trị xuất khẩu của thực phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới”-  Thứ trưởng nhấn mạnh.

Điểm nhấn quan trọng trong sự kiện này là Chương trình Giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đoàn nhập khẩu nước ngoài đến từ Hoa Kỳ, Pháp, Italia, Nhật Bản, Trung Quốc…; với các tập đoàn thu mua, đại siêu thị trong và ngoài nước. Dự kiến có khoảng 300 doanh nghiệp ngành thực phẩm Việt sẽ được kết nối giao thương tại chỗ, mở ra các cơ hội cung cấp hàng hóa cho các nhà phân phối quốc tế.

Cũng tại đây, đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương (Viettrade) và Hội đồng Phát triển thương mại Hong Kong về hợp tác xúc tiến thương mại giữa hai bên.

Đồng thời, Viettrade cũng ký kết Thỏa thuận hợp tác với Công ty Nielsen Việt Nam trong việc phối hợp hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường cho các tổ chức, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu phát triển thị trường. 

Bình luận của bạn