Kết nối nông sản sông Mekong
Nhiều tiểu thương quan tâm đến sản phẩm Cam sạch ở Tuyên Quang của một bạn trẻ do CLB SKC giới thiệu.
Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ hoạt động của Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao An Giang 2017.
Buổi giao lưu còn có sự tham gia của lãnh đạo một số tỉnh ABCD Mekong như: Ông Lê Minh Hoan- Bí thư tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, Ông Phan Mãi – Phó bí thư tỉnh ủy tỉnh Bến Tre… Cùng đại diện một số doanh nghiệp như: VinEco, BigC, Trung tâm dịch vụ và chuyển giao công nghệ Đại học Cần Thơ, nhóm khởi nghiệp thuộc CLB SKC.
Bà Đỗ Thị Lan Nhi-Trưởng phòng quản lý chất lượng Cty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển Nông nghiệp VinEco chia sẻ mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp, nông dân để phát triển, trồng những nông sản địa phương.
VinEco muốn đầu tư cho các nông dân ĐBSCL về công nghệ, giống và chia sẻ kỹ thuật chăm sóc nông sản, từ đó, doanh nghiệp sẽ kết nối và thu mua những nông sản này. Hiện nay, VinEco đã hợp tác với hơn 500 hộ nông dân tại các tỉnh: Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Cần Thơ để trồng và thu mua trái cây, rau sạch.
Những sản phẩm trái cây ngon, đạt chất lượng tốt đã được người tiêu dùng TPHCM đón nhận và tín hiệu khả quan hơn là được nhiều đối tác quốc tế quan tâm. Bà Lan Nhi hy vọng được đón nhận nhiều hơn nữa nông sản từ các tỉnh ĐBSCL.
Trong buổi giao lưu nhiều tiểu thương tại chợ ở TPHCM góp những ý chân thành đến các nông dân, doanh nghiệp về việc đưa những nông sản an toàn vào chợ. Nhiều tiểu thương còn boăn khoăn đến giá các nông sản này cao hơn rất nhiều so với các nông sản không có nguồn gốc nên người tiêu dùng chưa chấp nhận.
Cô Kim Yến, tiểu thương tại chợ Tân Khánh (TPHCM) cho biết giá sản phẩm sạch cao hơn gần gấp đôi so với sản phẩm không có nguồn gốc nên khi cô lấy về bán thì khách hàng không mua, dẫn đến ế ẩm. Cô đề nghị cần có sự kết hợp và hỗ trợ bước đầu của địa phương, doanh nghiệp, nông dân để các tiểu thương từng bước tiếp cận và phân phối nông sản sạch đến người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Vĩnh Điềm, Giám đốc công ty Vĩnh Kim An Giang, đang phân phối những nông sản tại tỉnh An Giang, đã có những kết nối bước đầu với các tiểu thương ở các chợ tại TPHCM. Ông hứa sẽ hỗ trợ chi phí vận chuyển nông sản đến tận các chợ cho các tiểu thương, và sẽ thu lại những sản phẩm xấu, kém chất lượng người tiêu dùng không mua.
Đúng 1h30, ngày 7/3/2017 Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tại An Giang mới chính thức khai mạc, nhưng từ 15h chiều cùng ngày đã có hàng ngàn người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm.
Hội chợ Hàng Việt Nam Chất lượng cao 2017 được tổ chức lần thứ 17 tại An Giang, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang cùng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao phối hợp thực hiện. Hội chợ được tổ chức tại khu đô thị Golden City, TP Long Xuyên với quy mô 350 gian hàng của hơn 150 doanh nghiệp Việt Nam, tập trung nhiều sản phẩm chất lượng cao.
Chưa đầy một ngày hoạt động, nhiều doanh nghiệp tại Hội chợ đã bán được lượng hàng khá lớn. Chị Tạ Ngọc Thúy – nhân viên bán hàng của Biti’s – cho biết gian hàng của mình đã bán gần 200 đôi giày, người dân An Giang rất thích sản phẩm Biti’s, đặc biệt là sản phẩm dành cho trẻ em. Anh Nhật Nam – nhân viên bán hàng công ty Nhựa Duy Tân cũng rất bất ngờ về lượng khách mua sắm trong ngày đầu tiên hội chợ hoạt động, nhân viên công ty anh tư vấn và bán không kịp.
Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao từ lâu đã được người dân An Giang xem như một hoạt động văn hóa quen thuộc của tỉnh nhà. Hội chợ được tổ chức tại Long Xuyên nhưng nhiều người dân các huyện lân cận như: Tân Châu, Tri Tôn, Châu Thành… không ngại khoảng cách vẫn đến mua sắm. Thậm chí, người dân Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh của TP Cần Thơ cũng đổ về dù khoảng cách lên tới trên 20km.
Chị Tuyết Nga- một người dân ở Tân Châu – An Giang đã chạy xe cùng người nhà gần 1 tiếng đồng hồ để đến với Hội chợ, chị cho biết: “Tôi nhớ ngày hoạt động của hội chợ như một lịch quen thuộc, năm nào tôi cũng cùng gia đình mình xuống Long Xuyên để đi, đây là năm thứ 8 rồi đó. Xuống hội chợ mua đồ đôi khi còn phải thuê xe ôm để chở đồ về. Nay đi vậy chứ, có khi ngày mốt tôi lại đi tiếp…”.