“Kỹ nghệ” đưa hàng Việt vào kênh phân phối

Tích cực đưa hàng Việt vào kênh bán lẻ hiện đại

Trong khuôn khổ Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối do Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức sáng ngày 24/10 tại Hà Nội, đại diện Công ty cổ phần ĐTK khẳng định sẽ tìm kiếm thêm nhà phân phối mới.

“ĐTK là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có khả năng kiểm soát an toàn sinh học trong toàn bộ quy trình sản xuất trứng, từ thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống đến chăn nuôi gà thương phẩm từ khi gà đẻ tới hệ thống cửa hàng, siêu thị chỉ trong vòng 24 giờ”, bà Ánh nhấn mạnh.

Sở hữu Nhà máy trứng sạch ĐTK tại Tam Nông (Phú Thọ), với tổng vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng, công suất 175 triệu quả trứng/năm, dù sản phẩm mới ra mắt thị trường từ đầu tháng 3/2017, nhưng khi trao đổi với phóng viên bà Lê Thị Minh Ánh, đại diện Công ty ĐTK cho biết, hàng tháng, hơn 10 triệu quả trứng sạch của Công ty ĐTK đã vào được hệ thống phân phối của Vinmart, BigC, Intimex…

Nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm của công ty ĐKT tại Tâm Nông (Phú Thọ)

Thương hiệu gạo hữu cơ Bãi Rươi của Công ty cổ phần Nông nghiệp Thế Hệ Mới (xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) cũng là sản phẩm mới được đưa ra thị trường, dù chưa tiếp cận được các nhà bán lẻ lớn, nhưng hiện giờ, sản phẩm của Công ty đã được hơn 40 cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội chấp thuận phân phối.

Theo ông Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Thế Hệ Mới, dù sản phẩm gạo hữu cơ Bãi Rươi chưa vào được các kênh bán lẻ lớn, nhưng không có nghĩa là Công ty “đầu hàng”. Hiện tại, Ban Lãnh đạo vẫn trong hành trình tiếp cận doanh nghiệp phân phối, hoàn chỉnh các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng gạo để trong thời gian sớm nhất có thể đưa gạo hữu cơ Bãi Rươi tới các nhà bán lẻ lớn như AEON, BigC…

Nhà sản xuất cần chuyên nghiệp hơn

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, với một nền kinh tế thị trường, hàng hóa cạnh tranh nhờ giá bán, chất lượng, thì việc trông chờ vào giải cứu như một số nông sản hay sản phẩm chăn nuôi như thời gian vừa qua là không bền vững và thiếu chuyên nghiệp.

“Kết nối giữa các nhà sản xuất với doanh nghiệp phân phối bán lẻ được triển khai từ nhiều năm nay và để đi đường dài, cần phải trên tinh thần “win - win”, cả hai bên tìm đến nhau cùng có lợi, hỗ trợ để có doanh số, lợi nhuận tốt và người tiêu dùng thụ hưởng sản phẩm chất lượng, chứ không phải kết nối bằng mọi giá”, bà Loan nhấn mạnh.

Một số doanh nghiệp có mặt tại Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối cũng đồng quan điểm khi cho rằng, bản thân các doanh nghiệp sản xuất cần có sự thay đổi, tăng cường tiếp cận người tiêu dùng với nhiều hình thức khác nhau.

“Doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm lên kệ hàng của các siêu thị cũng phải tập trung quảng bá, truyền thông thương hiệu, thu hút khách hàng, nghiên cứu nhu cầu khách hàng để đầu tư sản xuất đúng phân khúc, đối tượng khách hàng, chứ không thể trông chờ vào sự hỗ trợ của cơ chế”.

Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, những năm gần đây, tỷ lệ hàng Việt vào được kênh bán lẻ hiện đại ngày càng gia tăng. Thống kê cho thấy, hàng Việt chiếm tỷ trọng 70 - 80% tại kênh bán lẻ hiện đại, đặc biệt, tại một số hệ thống siêu thị như Saigon Co.op, tỷ lệ hàng Việt còn đạt mức trên 90%.

Bình luận của bạn