Kỳ vọng sâm Việt vươn ra thế giới
"Nếu nhà nước có lộ trình, cùng kế hoạch bài bản, tôi tin rằng khoảng 10-20 năm sau, Việt Nam sẽ đứng nhất nhì về sản phẩm sâm trên thế giới. Riêng huyện Nam Trà My sẽ có hàng ngàn tỉ phú" - ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam (thủ phủ cây sâm Ngọc Linh), nhận định
Giấc mơ sâm Việt vươn ra thế giới liệu có thành hiện thực khi chúng ta đang sở hữu sâm Ngọc Linh - 1 trong 5 loại dược liệu quý nhất thế giới?
Tín hiệu lạc quan
Sau 3 ngày diễn ra phiên chợ sâm Ngọc Linh (từ ngày 1 đến 3-10), chính quyền huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam thống kê có khoảng 50 kg sâm củ Ngọc Linh được bán ra thị trường, thu gần 4 tỉ đồng - chưa kể những sản phẩm từ sâm khác.
Những ngày diễn ra phiên chợ, huyện nghèo Nam Trà My trở nên tấp nập vì lần đầu có số ô tô đến nhiều như thế. Dù giá sâm cao ngất ngưởng (từ 60 đến gần 90 triệu/kg) nhưng đến ngày thứ hai của phiên chợ, lượng sâm củ Ngọc Linh dường như đã bán sạch. Riêng chị Nguyễn Thị Huỳnh (thôn 3, xã Trà Mai) bán vèo hết 10 kg sâm chỉ vài giờ sau khi phiên chợ khai mạc, thu về gần 1 tỉ đồng.
Chuyện khá thú vị, việc giao dịch sâm từ vài triệu đến vài chục triệu, thậm chí vài trăm triệu đồng nên có người đi mua sâm mang tiền mệnh giá 200.000 đồng trở xuống bị "chê" vì người bán sâm sợ đếm mỏi tay, gùi về mệt.
Có lẽ người xông xáo nhất tại phiên chợ là ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My. Ông Bửu dường như có mặt suốt ở phiên chợ để kiểm tra các gian hàng, trò chuyện với du khách và... trả lời phỏng vấn của báo chí. Trò chuyện với vị chủ tịch huyện, chúng tôi nhận thấy trong ông luôn có niềm tin mãnh liệt rằng một ngày nào đó, sâm Ngọc Linh sẽ vươn ra thế giới. Từ cương vị Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, 3 năm trước, ông Bửu được điều chuyển lên làm chủ tịch huyện nghèo nhất tỉnh Quảng Nam và là một trong những huyện nghèo nhất nước, với tỉ lệ hộ nghèo thời điểm đó hơn 72%. Tâm huyết với cây sâm, ông Bửu cùng các cộng sự bắt tay xây dựng Đề án quốc gia về bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030. Đề án này đã được Thủ tướng phê duyệt từ tháng 9-2015.
Xuất phát từ lãnh đạo ngành truyền thông, ông Bửu hiểu và tận dụng triệt để các mối quan hệ để làm cho từ khóa "sâm Ngọc Linh" xuất hiện đều đều trên báo chí. Từ việc tổ chức lễ hội sâm Ngọc Linh, hội thảo sâm Ngọc Linh, phiên chợ sâm cho đến phát hành bộ tem sâm Ngọc Linh hay tường thuật trực tiếp diễn biến phiên chợ sâm trên YouTube... Những ý tưởng liên tục được đưa ra với chung một mục đích làm sao để nhiều người biết đến cây sâm Ngọc Linh hơn. Tháng 6 năm nay, sâm Ngọc Linh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia.
Đến thời điểm này, những cố gắng của ông Bửu và chính quyền địa phương bước đầu mang lại hiệu quả. Từ khoảng 100 hộ dân trồng trên diện tích 120 ha vào năm 2015, đến nay toàn huyện đã có hơn 1.500 hộ, 6 doanh nghiệp trồng sâm với diện tích gần 1.500 ha. Một trong những loại sâm quý hiếm nhất thế giới không còn bị mỉa mai "chỉ để ngâm rượu" mà có gần 50 sản phẩm làm từ sâm Ngọc Linh đã và sắp được tung ra thị trường. Tại phiên chợ sâm Ngọc Linh, nhiều sản phẩm làm từ sâm như sâm ngâm mật, trà sâm, viên nang mềm, viên nén sủi, gói bột sủi bọt, kẹo sâm... được đưa ra trưng bày, thu hút sự chú ý của nhiều người, trong đó có cả du khách. Nhiều người biết đến giá trị sâm Ngọc Linh, giá sâm năm 2015 từ 30-50 triệu đồng/kg nay tăng lên từ 60-90 triệu đồng/kg.
Ông Bửu cho biết năm 2015, khi xây dựng đề án, nhiều người cho rằng số vốn đầu tư lên đến 9.500 tỉ đồng trong bối cảnh hiện nay là viển vông nhưng chỉ sau 3 năm, con số này đã "lỗi thời". Đến thời điểm này, chỉ tính riêng 2 tập đoàn TH True Milk và Vingroup đã đăng ký đầu tư đến 16.000 tỉ đồng vào cây trồng quý này. Nhờ phát triển cây sâm cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, hiện tỉ lệ hộ nghèo tại huyện Nam Trà My giảm còn hơn 64%.
Đủ điều kiện vươn xa
Ông Hồ Quang Bửu trăn trở, đi qua Hàn Quốc, ông thấy sâm bán như rau, người giàu người nghèo đều có thể dùng sâm, trong khi sâm Việt Nam tốt hơn sâm Hàn Quốc nhưng chỉ người giàu mới có tiền mua. "Huyện chúng tôi có ký hợp tác với quận Hamyang (tỉnh Gyeongsang Nam, Hàn Quốc) trong nghiên cứu trồng sâm. Quận này trồng sâm núi trên cao 1.100 m và di thực xuống đồng bằng. Sâm trồng trên núi giá khoảng 250 triệu đồng/kg, sâm trồng dưới đồng bằng bán khoảng 2 triệu đồng/kg. Tại Hàn Quốc, ở đâu cũng có thể trồng được sâm, từ đó ai cũng được thụ hưởng, người ít tiền thì mua ít, nhiều tiền thì mua nhiều, loại đắt" - ông Bửu nói. Theo ông, ở Hàn Quốc có hàng ngàn sản phẩm về sâm, người Việt Nam sang đó ai cũng tìm mua sản phẩm sâm mang về. Cái này thì Việt Nam đang thua toàn diện.
Ông Bửu khẳng định sâm Ngọc Linh hội đủ các điều kiện để vươn ra tầm thế giới nhưng điều kiện cần thì chúng ta chưa có. "Nếu nhà nước có lộ trình, cùng kế hoạch bài bản, tôi tin rằng khoảng 10-20 năm sau, Việt Nam sẽ đứng nhất nhì về sản phẩm sâm trên thế giới. Riêng huyện Nam Trà My sẽ có hàng ngàn tỉ phú. Tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được bởi người Việt rất thông minh" - ông Bửu quả quyết.
Bà Trần Phương Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Sâm Sâm (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My), cho biết đến thời điểm này, công ty bà đã có 2 sản phẩm được đăng ký ở Cục An toàn thực phẩm, 1 sản phẩm đã nghiên cứu xong, đang làm thủ tục để được chứng nhận. Các nhà khoa học của công ty đang tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm khác để đưa ra thị trường trong thời gian tới. "Sâm Ngọc Linh hiện được rất nhiều người quan tâm, kể cả ngoài nước. Công ty đang sản xuất ra những sản phẩm phù hợp với hy vọng sau này sâm Ngọc Linh sẽ vươn ra thế giới" - bà Thủy tiết lộ.