Lan tỏa Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam


Đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hồ Chí Minh (người ngoài cùng bên phải) tham quan gian hàng của một doanh nghiệp khởi nghiệp tại Trung tâm mua sắm Sense Market trực thuộc Saigon Co.op.

Qua 5 năm quán triệt và triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ), TP Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả bước đầu rất cơ bản và khả quan. Thực tế cũng cho thấy rằng, nếu có quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng các cơ quan báo chí, hàng sản xuất trong nước sẽ có chỗ đứng vững chắc trong lựa chọn của người tiêu dùng…

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Trần Tấn Ngời cho biết, năm 2016, các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành tuyên truyền sâu rộng về CVĐ, tạo hiệu ứng cao và giành được sự ủng hộ của người dân với hàng hóa Việt Nam.

Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh đang phát sóng chương trình “Đồng hành hàng Việt”, “Hàng Việt đổi mới sáng tạo” với thời lượng 52 chương trình/năm. Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh thực hiện phát thanh 52 chương trình “Đồng hành cùng người tiêu dùng”, 104 chương trình “Tôi yêu hàng Việt”/năm. Báo Sài Gòn giải phóng thực hiện chuyên trang “Chương trình Bình ổn thị trường” với 52 kỳ phát hành/năm để thông tin về tình hình cung - cầu hàng hóa, giá cả thị trường, giúp người tiêu dùng tiếp cận thông tin đúng, đủ về hàng Việt Nam. Các cơ quan báo chí trung ương như Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Quân đội nhân dân, … cũng đưa nhiều tin, bài phong phú về CVĐ đã góp phần lan tỏa sâu rộng đến bạn đọc không chỉ ở thành phố mà còn trên phạm vi toàn quốc.

Trong năm, hệ thống MTTQ của thành phố đã tổ chức 836 cuộc tuyên truyền với nhiều hình thức như: phát tờ tin, tài liệu, tọa đàm, băng-rôn, khẩu hiệu… Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và Saigon Co.op vận động 54 doanh nghiệp (DN) tham gia giới thiệu sản phẩm hàng Việt Nam, tổ chức “Ngày Hội việc làm Phụ nữ” và “Kết nối doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm hàng Việt” thu hút 26 nghìn lượt hội viên. Hai đơn vị nêu trên còn triển khai thêm 1.173 điểm bán hàng Việt Nam bình ổn giá tại các chợ truyền thống và ở các khu dân cư. Riêng Thành đoàn đã tổ chức 200 đợt bán hàng Việt Nam, vừa phục vụ nhu cầu mua sắm của đoàn viên, vừa tổ chức tư vấn về sản phẩm. Trong Tháng Công nhân, Liên đoàn Lao động thành phố đã vận động các DN tổ chức 34 gian hàng Việt bình ổn giá phục vụ hơn 5.500 lượt công nhân. Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hiệp Hội Doanh nghiệp thành phố…, với đặc thù của từng đơn vị còn thường xuyên lồng ghép tuyên truyền cho hội viên về CVĐ qua các hội thảo đầu bờ, hội nghị chuyên đề, các chuyến học tập kinh nghiệm…

Hưởng ứng CVĐ, nhiều đơn vị, DN của thành phố đã chọn mua vật tư, thiết bị sản xuất trong nước. Chẳng hạn, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đã mua sắm vật tư, thiết bị trong nước cho khoảng 60% nhu cầu hằng năm như: máy biến áp lực các loại đến 110 kV, cáp lực lõi đồng, nhôm các loại, cột điện các loại, tủ điện, thiết bị điều khiển bảo vệ,… (40% do yêu cầu kỹ thuật phải nhập). Còn Sở Y tế đã nâng tổng số điểm bán thuốc bình ổn lên 4.016 nhà thuốc với 563 mặt hàng, 176 hoạt chất, 21 nhóm thuốc sản xuất trong nước để điều trị các bệnh thường gặp, có nhu cầu sử dụng nhiều. Hay như Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy thành phố bảo đảm hơn 80% số vật tư, thiết bị sử dụng là hàng sản xuất trong nước…

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có 40 trung tâm thương mại, 193 siêu thị, 240 chợ truyền thống, hơn 890 cửa hàng tiện lợi. Các hệ thống phân phối đang tiếp tục được đầu tư, đổi mới cải tiến chất lượng dịch vụ..., góp phần đáng kể trong việc thay đổi diện mạo ngành thương mại thành phố theo hướng hiện đại và tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống này duy trì ở mức hơn 90%.

Đối với Chương trình “Bình ổn thị trường”, đã phát triển được gần 11 nghìn điểm bán hàng Việt bình ổn giá, tăng 1.347 điểm bán so với năm trước và phủ rộng khắp các địa bàn. Tính đến tháng 3-2017, đã có 86 DN tham gia chương trình với tổng hạn mức vay ưu đãi là 12.900 tỷ đồng, tăng 1.050 tỷ đồng so năm 2015. Các DN này cũng đã cung ứng hàng Việt vào 23 bếp ăn tập thể phục vụ gần 45.000 suất ăn/ngày cho công nhân. Trong năm 2016, thành phố mở sáu “Phiên chợ hàng Việt” thu hút 363 DN với khoảng 180 nghìn lượt người dân đến mua sắm. Bên cạnh đó, để bảo vệ hàng Việt, Chi Cục Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra và phát hiện gần 7.600 vụ vi phạm giả nhãn mác, hàng lậu, qua đó xử phạt hơn 126 tỷ đồng…

Đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hồ Chí Minh cho rằng, từ Chương trình hành động thực hiện CVĐ với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tác động đến ba đối tượng là người tiêu dùng, DN và các cơ quan quản lý nhà nước, đã tạo hiệu quả tổng hợp giúp các DN Việt thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng cũng có cơ hội tiếp cận các mặt hàng sản xuất trong nước với giá cả phù hợp. Hiệu quả của chương trình đã góp phần giúp tổng sản phẩm nội địa của thành phố trong năm 2016 tăng 8,05% so với cùng kỳ.

NĂM 2017, Ban Chỉ đạo CVĐ của thành phố tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức tiêu dùng hàng Việt Nam, thông qua các cơ quan báo chí, thành phố tiếp tục đẩy mạnh quảng bá sản phẩm sản xuất trong nước, giới thiệu các điển hình doanh nhân Việt Nam làm ăn giỏi. Thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ sẽ phối hợp các cơ quan báo chí tại TP Hồ Chí Minh tuyên truyền sâu đậm, định kỳ hằng tuần trên mặt báo bởi quy mô cuộc vận động của thành phố đã lan tỏa và có mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp thành lập Website “Tự hào hàng Việt Nam”. Thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ và các sở, ngành tập trung xây dựng Saigon Co.op thành tập đoàn bán lẻ hàng đầu khu vực, trong đó có một trung tâm thương mại lớn dành cho hàng Việt Nam; tiếp tục mở rộng điểm bán hàng bình ổn thị trường để đưa hàng Việt đến với công nhân, nông dân nhiều hơn; tăng cường công tác chống hàng gian, hàng giả để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước.

Bình luận của bạn