Lan tỏa niềm tự hào hàng Việt

Kết quả đó chính là nhờ sự chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng (NTD) trong nước.

Thời gian qua, Bộ Công thương phối hợp nhiều cấp ủy địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức hàng nghìn cuộc kết nối cung - cầu, mở ra cơ hội tiêu thụ hàng hóa tốt. Nhiều năm nay, chương trình đưa hàng hóa về nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa mang ý nghĩa sâu sắc, giúp người dân vùng khó khăn tiếp cận hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng và giá bán phải chăng. Nhờ đó, đến nay, hàng Việt đã len lỏi đến các chợ truyền thống, chiếm tới 60 đến 80% cũng như chiếm lĩnh sâu rộng các cửa hàng tạp hóa trong khu dân cư.

Bộ Công thương đặt mục tiêu đến năm 2020, tất cả NTD và DN biết đến CVĐ, hàng Việt Nam có thế mạnh chiếm 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; toàn bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư triển khai xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững.

Trên tinh thần đó, vừa qua việc Bộ Công thương tổ chức chuỗi sự kiện quan trọng gồm Chương trình nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam và Sinh viên nhận diện hàng Việt Nam năm 2017. Đây là dịp để các DN Việt Nam giới thiệu hình ảnh và các sản phẩm, tìm kiếm đối tác, tiếp cận công nghệ tiên tiến qua đó từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường. Chương trình tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của thị trường trong nước đối với hàng hóa Việt Nam, góp phần kiểm soát hàng hóa, tạo nên sự phản hồi tốt với các cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách về thị trường.

Việt Nam là một thị trường lớn với dân số hơn 90 triệu người, tương lai không xa là 100 triệu, là mục tiêu của nhiều tập đoàn, DN bán lẻ lớn trên thế giới. Thị trường trong nước cũng đầy tiềm năng, có dư địa lớn cho tăng trưởng kinh tế. Xa hơn nữa, chúng ta phải hướng tới “Thế giới dùng hàng Việt”, mặc dù để điều này trở thành hiện thực là cả một quá trình, đòi hỏi sự nỗ lực không mệt mỏi của các cấp, các ngành từ T.Ư tới địa phương, cả phía DN và NTD.

Các DN phải nỗ lực hết sức thì mới trụ vững, phát triển và chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Làm được điều đó, DN phải chủ động vươn lên, cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng tốt, giá cả hợp lý, mẫu mã đa dạng. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực tháo gỡ mọi khó khăn, rào cản, có cơ chế chính sách phù hợp tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho DN, nhất là nỗ lực giảm chi phí cho DN; chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái; kịp thời hỗ trợ, cảnh báo và tư vấn cho các DN về chính sách bảo hộ, chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam,...

Có như vậy, tinh thần “Người Việt dùng hàng Việt” mới thật sự lan tỏa, phát huy hiệu quả như mong đợi.

Bình luận của bạn