Làng nghề Việt Nam - xuất khẩu để phát triển

Theo thống kê từ Bộ Công Thương, với kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD, thủ công mỹ nghệ là một trong những ngành hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam, tác động đáng kể đến chuyển dịch cơ cấu nông thôn theo hướng hiện đại hóa, thu hút khoảng 11 triệu lao động. Tuy nhiên, để đẩy mạnh hơn nữa kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, cần thêm những chính sách, những cách làm căn bản hơn.

Cần thay đổi tư duy sản xuất

Những năm 2000, làng gốm Bát Tràng-nơi kết tinh tinh hoa làm gốm đất Tràng An, thu hút lượng lớn khách du lịch nước ngoài, hơn 60% sản phẩm được sản xuất nhằm xuất khẩu sang thị trường các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Ô-xtrây-li-a... Tuy nhiên, từ năm 2005 trở lại đây, cơ cấu hàng xuất khẩu chỉ chiếm 10% tổng số hàng hóa tiêu thụ mỗi năm, doanh thu dao động từ 50-70 tỷ đồng. Ông Lê Xuân Phổ, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bát Tràng cho biết, giá cả leo thang khiến giá thành sản phẩm xuất khẩu tăng và mẫu mã yêu cầu thiết kế khắt khe khiến các sản phẩm làng nghề quay về thị trường nội địa. Hiện nay, phía đối tác nước ngoài phần lớn chủ động cung cấp mẫu mã khi hợp tác với làng nghề Bát Tràng. Họ thường yêu cầu gắn thương hiệu của nước sở tại lên sản phẩm thay vì thương hiệu Bát Tràng với lý do, làm như vậy để dễ tiêu thụ hàng hóa hơn. Điều này cho thấy, đối tác quốc tế chưa “mặn mà” với mẫu mã làng nghề. Tuy nhiên, trái với thực tế xuất khẩu ảm đạm của làng nghề nói chung, một số doanh nghiệp lớn như Công ty Gốm sứ Quang Vinh hay Thành Kính Ceramic vẫn duy trì hoạt động ổn định và có chỗ đứng nhất định trên thị trường quốc tế. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do sự khác biệt trong cơ cấu sản xuất và chiến lược kinh doanh.

Làng gỗ Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh)-ngôi làng nổi tiếng cả nước với nghề mộc mỹ nghệ truyền thống cũng đang loay hoay tìm thị trường xuất khẩu. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước đây, thị trường tiêu thụ sản phẩm của Đồng Kỵ là Hồng Công và Trung Quốc đại lục, hướng tới đối tượng thu nhập cao. Với những thay đổi gần đây, sức mua từ Trung Quốc giảm dần, số lượng gỗ tồn tại làng nghề đang là 50.000m3 khối gỗ, tương đương với 200.000 bộ bàn ghế và các vật dụng làm từ gỗ khác. Không còn sự nhộn nhịp cách đây 3 năm, làng gỗ Đồng Kỵ trong những ngày cuối năm 2016 thưa dần tiếng ồn ào của máy xẻ gỗ, tiếng đục đẽo quen thuộc. Trong bối cảnh trên, Đồng Kỵ đang chuyển hướng đi mới sang thị trường châu Âu và Mỹ vốn nhiều tiềm năng. Do quy mô sản xuất chủ yếu là hộ gia đình và 100% đơn hàng trước đây làm theo mẫu của Trung Quốc nên việc tự tìm tòi mẫu mã mới sao cho vừa đậm bản sắc Việt, vừa thuyết phục được những khách hàng châu Âu sẽ là một vấn đề không nhỏ. Thêm vào đó, Đồng Kỵ đang gặp khó khăn trong khâu tiếp cận thị trường để tìm hiểu thị hiếu khách hàng nước ngoài. "Cho dù muốn tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại châu Âu nhưng chưa một doanh nghiệp nào ở Đồng Kỵ có thể làm được do gặp nhiều rào cản về quy định xuất, nhập khẩu gỗ của nước ngoài", Chủ tịch Hiệp hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ Vũ Quốc Vương chia sẻ. Không chỉ Bát Tràng và Đồng Kỵ đang “lao đao” vì thị trường xuất khẩu mà các làng nghề nói chung cũng gặp tình trạng khó khăn tương tự.

Tự chuyển mình phù hợp với tình hình thực tế

Để khắc phục tình trạng hiện nay, Hiệp hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ tự thân thực hiện chương trình "Làng nghề khởi nghiệp" với các hoạt động như: Hình thành khu công nghiệp làng nghề, trung tâm thiết kế mẫu mã và đào tạo nhân lực. Mục đích của chương trình là thay đổi tư duy người thợ và tập hợp các cơ sở nhỏ lẻ phát triển theo hướng đầu tư mở rộng doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm hỗ trợ lẫn nhau, từ đó xây dựng những doanh nghiệp “đầu đàn” vừa dẫn dắt, vừa bao tiêu sản phẩm.

Chia sẻ kinh nghiệm thành công trên thương trường, chủ cơ sở gốm sứ Thành Kính Ceramic Trần Minh Kính cho hay, yếu tố giúp ông giữ “chân” được bạn hàng quốc tế đến ngày hôm nay chính là chiến lược tạo sự khác biệt. Với tâm niệm, gốm sứ sản xuất ra phải vừa đẹp hình thức, vừa bảo đảm chất lượng nên ông luôn đặt ra 3 tiêu chí cho cơ sở của mình: Đổi mới công nghệ sản xuất và nghiên cứu, sáng tạo những dòng men mới; hợp lý hóa trong sản xuất để tiết kiệm chi phí đầu vào; chủ động tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại tại nước ngoài để tìm hiểu thị hiếu khách hàng cũng như tích cực quảng bá thương hiệu.

Kinh nghiệm của một số doanh nghiệp làng nghề thành công cho thấy, thay vì thụ động chờ đợi cơ hội, bản thân mỗi làng nghề cần phải tự chuyển mình cho phù hợp với tình hình thực tế. Nếu trước đây làng nghề chỉ phụ thuộc vào một vài thị trường cố định và bán cái mình có thì nay phải chuyển sang tư duy bán cái thị trường cần, định vị lại cơ cấu các mặt hàng. Tuy nhiên, để làm được điều trên không phải dễ với nhiều làng nghề, vì không phải cơ sở nào cũng dày “vốn” đầu tư và tuyển dụng đội ngũ thiết kế, công nghệ hiện đại. Do vậy, Nhà nước cùng hiệp hội các làng nghề cần hỗ trợ về vốn, dây chuyền công nghiệp, cơ chế phù hợp để tăng khả năng sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường trao đổi thông tin bằng việc tổ chức những kỳ xúc tiến thương mại để nghệ nhân có điều kiện tìm hiểu thị hiếu khách nước ngoài mà mặt hàng Việt Nam có thể hướng đến.

Bình luận của bạn