Liên kết để chấn hưng hàng Việt

 Gần 250 doanh nghiệp Việt Nam bắt tay nhau liên kết sản xuất và phân phối hàng nội địa là sự kiện đình đám trong tuần qua. Sau cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt trước đây, chương trình này không ngoài mục đích chấn hưng hàng Việt.

Nhưng làm sao để hàng Việt có chỗ đứng thực sự trên thị trường... Việt? Chúng tôi đi tìm lời giải từ những chuyên gia.

Tại sao doanh nghiệp Việt Nam (DN VN) lại ngày càng cảm thấy bán hàng khó khăn hơn? Thứ nhất là do giá đầu vào liên tục tăng kéo theo giá thành tăng cao, lợi nhuận giảm đi. Thứ hai, hệ thống phân phối của các DN Việt ngày càng bị thu hẹp, trong khi các DN ngoại lại càng mở rộng.

Nhà sản xuất bị bí thị trường

Vấn đề này VN đã tính đến khi gia nhập WTO nhưng sai lầm của chúng ta là chỉ quan tâm đến việc kiểm soát các chuỗi siêu thị lớn bằng việc đưa ra các điều kiện kinh tế khi họ vào VN nhưng điều đó lại không hiệu quả đối với những DN đã vào VN từ trước đó như Metro, Big C... và trên hết là không có quy định kiểm soát chuỗi cửa hàng nhỏ. Cho nên các chuỗi này với 350 cửa hàng nhỏ của họ đã tràn vào và chiếm lĩnh thị trường của các cửa hàng tiện ích, rất thuận lợi với người tiêu dùng Việt và cạnh tranh với cả các chợ truyền thống của VN. Vì vậy, các nhà sản xuất rất bí thị trường.

Cách đây 10 năm, Tập đoàn Trung Nguyên đưa ra sáng kiến với chuỗi cửa hàng G7. Thời điểm đó tôi thấy sáng kiến đó rất hay và tôi cũng cổ vũ rất nhiều để anh Vũ (Chủ tịch HĐQT Trung Nguyên) có thể thành công. Thế nhưng DN này lại không thành công dù có tham vọng lớn. Nguyên nhân được chỉ ra là Trung Nguyên không có kinh nghiệm trong phân phối, ngoài chuỗi bán cà phê ra và không kết nối được với các nhà sản xuất.

Bây giờ nhìn lại trong chuỗi cửa hàng tiện ích khác, các nhà sản xuất VN càng phải nhìn thấy cần phải có thị trường nhiều hơn, khi Big C, Metro đều vào tay Thái Lan và là những đối thủ trực diện, cạnh tranh trực tiếp với DN Việt. Đây là cái khó cho nhà sản xuất. Còn với những nhà phân phối như Vingroup, họ có sự phát triển rất ấn tượng nhưng muốn cạnh tranh được thì phải dựa vào DN Việt. Tôi cho rằng Vingroup không thể cạnh tranh được nếu phân phối hàng ngoại, hàng Thái, vì làm sao bằng được DN Thái đã gắn bó với các nhà sản xuất của họ bao lâu nay. Thái Lan đã tuyên bố thẳng thừng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành, lợi ích lớn nhất của họ là thị trường VN. Họ coi thị trường VN là của họ.

Giới trung lưu dẫn dắt thị trường

Do vậy, con đường liên kết các DN Việt là con đường đúng đắn, thúc đẩy phát triển. Người tiêu dùng VN thuộc giới trung lưu sẽ ngày càng nhiều, sẽ là tầng lớp mang tính chất dẫn dắt thị trường. Mảng của Vingroup cũng hướng đến đối tượng tiêu dùng trung lưu, các nhà sản xuất hàng VN chất lượng cao cũng là mảng thị trường của những người tiêu dùng trung lưu.

Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt là lời kêu gọi là đúng nhưng cách làm phải khác, kêu gọi nhưng phải đi liền với việc bảo vệ người tiêu dùng Việt chứ không phải một chiều, chỉ bảo vệ người sản xuất và nhà phân phối.

Có lẽ điều mà chúng ta làm lâu nay chỉ mang màu sắc phong trào, sự vận động kêu gọi mang tính chính trị nhiều hơn ý thức. Đây là một hoạt động thị trường và vai trò của thị trường, của người sản xuất, người phân phối đều quan trọng như nhau, mỗi người đều có quyền lợi, có vị trí riêng của mình nên phải tôn trọng quyền lợi lẫn nhau. Lâu nay chúng ta đã không làm được, kể cả những chương trình rất vất vả như của Hội Hàng VN chất lượng cao, mang biết bao hàng hóa về nông thôn nhưng cứ mãi một chương trình như vậy. Nếu không liên kết, DN Việt sẽ giống những chiếc đũa bị bẻ một cách dễ dàng.

Bình luận của bạn