Liên kết DN nội để tham gia chuỗi cung ứng

Nếu các doanh nghiệp (DN) nội địa chỉ mải mê “săn mồi” một mình mà thiếu đi tính liên kết lại để mạnh hơn thì chuyện hàng Việt khó “chen chân” vào chuỗi cung ứng của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ còn kéo dài.

“Cắt hoa, tỉa cành” cho Intel

Đánh giá mới đây về tình hình cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện tại Việt Nam, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết tỷ lệ cung ứng từ DN nội địa rất thấp, mới chỉ đạt 14,1%, trong đó, tỷ lệ cung ứng nội địa của DN miền Bắc đạt 11,3%, còn DN miền Nam có khá hơn (đạt 16,7%). Nếu tính riêng trong khối chế tạo thì tỷ lệ nội địa hoá tại Việt Nam năm 2016 chiếm 34,2%, tăng không đáng kể so với năm trước đó. Còn theo Bộ Công Thương, sản phẩm trung gian trong sản xuất công nghiệp của Việt Nam còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nhập khẩu, tỷ lệ nội địa hóa thấp.

Theo giới chuyên gia, việc tham gia vào chuỗi cung ứng linh phụ kiện của DN Nhật hay các DN FDI khác là điều không thể không làm. Tuy nhiên, phần lớn  DN nhỏ và vừa Việt Nam đang gặp rất nhiều thách thức, rào cản trong câu chuyện tham gia được vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn, điển hình như Samsung, Intel ở Việt Nam.

Một nghiên cứu của nhóm chuyên gia Đại học Fulbright với Intel trong 10 năm qua cho thấy, với hàng tỷ USD xuất khẩu của Intel thì các DN Việt Nam chỉ đóng góp chưa đầy 1% giá trị đó. Và, cái phần 1% đó, như nghiên cứu của Fulbright, chỉ là nhằm vào những phần mà Intel không thể nhập khẩu, buộc lòng phải sử dụng của các DN Việt như tưới cây, cắt hoa, tỉa cành hoặc như một vài cái bao quà tặng. Người ta nói rằng nếu như nhập khẩu được những điều đó thì có lẽ Intel cũng đã làm luôn rồi! 

Yếu và thiếu liên kết

Vấn đề đặt ra là việc tham gia vào chuỗi cung ứng của DN FDI là quá sức các DN Việt hay là những tập đoàn lớn này không muốn? Dành lời khuyên trong vấn đề này, ông Zulkifli Bin Baharudin, Chủ tịch điều hành Tập đoàn giao nhận và vận chuyển quốc tế ITL (Singapore) đã chỉ ra điểm hạn chế của các DN Việt là vừa yếu, vừa thích đi “săn mồi” một mình. Do đó, để có thể bước chân được vào chuỗi cung ứng cho khu vực FDI, các DN Việt cần phải “đi săn theo đàn” để mạnh hơn và nhanh hơn.

Còn theo bà Nguyễn Dạ Quyên, chuyên gia về quản trị cung ứng, Giám đốc vận hành kinh doanh khu vực Đông Nam Á của Công ty CEL Consulting, để trở thành nhà cung cấp thứ nhất hoặc thứ hai của chuỗi cung ứng FDI thì các công ty Việt Nam phải hiểu được quy trình mua hàng của các tập đoàn đa quốc gia. Bởi thực tế, có rất nhiều DN nhỏ của Việt Nam chia sẻ rằng họ có tham gia đấu thầu nhưng họ thấy rằng thủ tục để trở thành nhà cung cấp cho các hãng lớn như Samsung hay Intel hay các DN FDI khác thực sự là rất khó.

Bà Nguyễn Dạ Quyên cho rằng, thường thì các DN Việt theo được nửa chặng đường thủ tục cung ứng cho DN FDI rồi thì bỏ cuộc. Điều này cho thấy tính cần thiết của việc nắm được đường đi của chuỗi cung ứng. Dĩ nhiên, trước tiên DN phải bảo đảm chất lượng sản phẩm. Cái khó của DN Việt khi bị “rớt giữa đường” là do chưa hiểu được hết những yêu cầu của các công ty toàn cầu. 

Bình luận của bạn