Liên kết mở rộng thị phần kênh bán lẻ trong nước

Doanh nghiệp Việt Nam cần sớm có sự liên kết, đổi mới công nghệ sản xuất, ... đồng thời triển khai các phương thức hợp tác linh động để giữ vững và mở rộng thị phần kênh bán lẻ ngay tại sân nhà.

Liên kết mở rộng thị phần kênh bán lẻ trong nước. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

Ngày 3/6, tại hội thảo Giải pháp cho thị trường bán lẻ hàng Việt phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần sớm có sự liên kết, đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời triển khai các phương thức hợp tác linh động để giữ vững và mở rộng thị phần kênh bán lẻ ngay tại sân nhà.

* Tranh nhau vào siêu thị

Việt Nam hiện có khoảng 600.000 điểm bán lẻ; trong đó, kênh bán hàng hiện đại chiếm khoảng 25% và được dự báo tăng lên 45% vào năm 2020.

Nhưng hiện nay, các tập đoàn phân phối nước ngoài lần lượt thâu tóm các hệ thống bán lẻ Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn nắm giữ một số hệ thống bán lẻ lớn như Saigon Co.op, Satra, Vingroup... 

Bên cạnh đó, đại bộ phận nhà bán lẻ Việt Nam có qui mô vừa và nhỏ, chưa có kinh nghiệm điều hành và quản lý những mô hình phân phối hiện đại qui mô lớn theo chuỗi, đa dạng loại hình, địa bàn rộng khắp.

Việc thâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam của các tập đoàn phân phối nước ngoài đã bắt đầu từ hơn 10 năm nay dưới các mô hình khác nhau.

Các tập đoàn này đang tăng tốc mở rộng nhanh mạng lưới và đa dạng hóa loại hình bán lẻ, tăng cường mua bán sát nhập để gia tăng thị phần và chiếm lĩnh thị trường tạo áp lực cạnh tranh lớn đối với các nhà bán lẻ Việt Nam ngay “sân nhà”. 

Theo các doanh nghiệp sản xuất trong nước, hàng hóa đưa vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị, kênh phân phối hiện đại ngay càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Quyền lực tập trung trong tay các hệ thống siêu thị, nhất là các hệ thống siêu thị nước ngoài là rất lớn.

Điều này được thể hiện ở việc các nhà bán lẻ sẵn sàng đòi nâng mức chiết khấu đối với doanh nghiệp khi gia hạn hợp đồng, kể cả với những doanh nghiệp là bạn hàng lâu năm. 

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Saigon Food cho biết, chiết khấu đối với các doanh nghiệp của các hệ thống siêu thị trong nước tối đa là 10%, trong khi các siêu thị nước ngoài là từ 10 - 30%.

Với mức chiết khấu cao lên đến 30%, doanh nghiệp hầu như chỉ hòa vốn, nhưng buộc phải tiếp tục đưa hàng vào siêu thị.

Nếu doanh nghiệp rút hàng ra khỏi các quầy kệ tại siêu thị, có nhiều doanh nghiệp khác xếp hàng sẵn sàng chen chân vào.

Điều này dẫn đến hình thành cơ chế “xin cho” giữa các nhà bán lẻ và doanh nghiệp sản xuất.

Bên cạnh đó, tiềm lực của hệ thống siêu thị, đặc biệt là nhà bán lẻ ngoại quá lớn, trong khi doanh nghiệp sản xuất Việt Nam manh mún, nhỏ lẻ.

Vì vậy, trong đàm phán giá cả dễ bị các hệ thống siêu thị ngoại ép chiết khấu.

* Cần liên kết để phát triển

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh nhận định, để thị trường bán lẻ trong nước phát triển bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải liên kết lại với nhau hoặc thông qua các hiệp hội để có thể tạo nên một khối đoàn kết, tạo được sức ảnh hưởng trong quá trình đàm phán.

Có thể lấy bài học từ các doanh nghiệp cung cấp hàng thủy sản cho thị trường nội địa thuộc Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) làm ví dụ.

Các doanh nghiệp đã liên kết lại và phản đối việc tăng giá chiết khấu của các hệ thống siêu thị.

Từ đó, các doanh nghiệp này đã thu được kết quả bước đầu khi các hệ thống bán lẻ nước ngoài cam kết không tăng chiết khấu trong năm nay.

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại hệ thống siêu thị Co.op mart TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ–TTXVN

Đồng quan điểm, ông Trương Phú Chiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bibica cho rằng, doanh nghiệp trong các lĩnh vực không cạnh tranh cùng ngồi lại với nhau, để xây dựng hệ thống phân phối tới tận tuyến huyện, xã.

Đơn cử, doanh nghiệp cùng hoạt động trong lĩnh vực như bánh kẹo có thể kết hợp với dầu ăn, mì ăn liền cùng bán hàng tại một điểm.

Với cách làm này, chi phí xây dựng mạng lưới bán hàng chỉ khoảng 15%, thấp hơn nhiều so với mức chiết khấu có thể lên tới hơn 30% mà các hệ thống siêu thị đang áp dụng với các doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, để phát triển và giữ vững thị trường, các nhà bán lẻ nội địa cũng cần tận dụng mặt bằng hiện có để phát triển thương mại, lĩnh vực bán lẻ; đồng thời mở rộng hoạt động với các phương thức linh hoạt như hợp tác, liên doanh...

Mặt khác, để đủ sức cạnh tranh với các nhà bán lẻ ngoại, nhà bán lẻ nội địa còn cần sự chung tay của nhà sản xuất và nhà nước; trong đó, nhà sản xuất trong nước cần tăng năng lực cạnh tranh bằng việc đổi mới công nghệ sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm và tạo ra sự khác biệt.

Doanh nghiệp sản xuất trong nước phải chủ động rà soát lại chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất xem có thể cạnh tranh lại những nhãn hàng quốc tế.

Các chuyên gia cũng kiến nghị Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng và triển khai Đề án phát triển hệ thống bán lẻ Việt Nam.

Hình thành những nhà bán lẻ mạnh có vai trò dẫn dắt, hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp Việt.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phân biệt đối xử, gây sức ép, lợi dụng ưu thế thị phần lớn.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Đồng thời, phát huy vai trò của các Hiệp hội trong việc làm đầu mối tiếp nhận các thông tin từ doanh nghiệp hội viên đề có những giải pháp hỗ trợ, đề xuất chính sách, can thiệp khi cần thiết./.

Bình luận của bạn