Liên kết xuất khẩu trái cây

Theo Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL, hiện nay nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi những vùng đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và rau màu.

Bởi thời gian gần đây, giá các loại trái cây tăng cao cộng với xuất khẩu rau quả thuận lợi khiến người nông dân rất phấn khởi.

Xuất khẩu ấn tượng

Theo Bộ NN-PTNT, trong 4 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 32,6% so cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc… là những thị trường nhập khẩu chủ lực nhiều loại rau quả của Việt Nam. Với chiều hướng thuận lợi này, các nhà chuyên môn dự báo xuất khẩu rau quả của nước ta trong năm 2017 có thể đạt 3 tỷ USD, tăng hơn 25% so năm 2016. 


 

Nhờ xuất khẩu tăng mạnh, nên giá cả nhiều loại trái cây ở ĐBSCL liên tục nhảy múa theo chiều hướng có lợi cho nông dân. Ông Nguyễn Văn Tư, canh tác 7 công chôm chôm ở xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết: “Những ngày qua, thương lái săn lùng mua chôm chôm Thái với giá hơn 100.000 đồng/kg, cao kỷ lục từ trước đến nay; chôm chôm đường khoảng 50.000 đồng/kg, chôm chôm Java 60.000 đồng/kg… giúp nông dân lời đậm”. Cũng vui mừng về trái cây tăng giá, ông Huỳnh Văn Bảy, ngụ xã Kế Thành, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) tiết lộ: “Cuối năm 2016, giá bưởi da xanh dao động khoảng 40.000 đồng/kg, nhưng gần đây thương lái tăng cường mua bưởi da xanh phục vụ xuất khẩu nên giá tăng lên 50.000 - 55.000 đồng/kg”. Ở Tiền Giang, Long An… nhiều hộ trồng thanh long liên tục mở rộng diện tích bởi nguồn thu nhập cao. Ông Trương Văn Đời, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) nhìn nhận: “Trong quý 1-2017, thanh long ruột đỏ từ 40.000 - 50.000 đồng/kg làm bà con mừng rơn; gần đây, giá có giảm lại nhưng vẫn đảm bảo có lãi nhiều. Cũng nhờ trúng giá thanh long mà người dân xứ này xây nhà kiên cố, mua xe và có điều kiện lo cho con cái học hành”. 

Liên kết phát triển bền vững

Hiệu quả của cây ăn trái ngày càng được khẳng định bởi giá trị thu về liên tục được nâng lên. Theo tính toán của các ngành chức năng, bưởi da xanh cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng/ha, riêng những hộ trồng trúng, thu đến cả tỷ đồng/ha; đối với thanh long có mức thu nhập bình quân 300 - 500 triệu đồng/ha; quýt hồng và quýt đường mang lại nguồn thu 500 - 700 triệu đồng/ha; xoài từ 200 - 400 triệu đồng/ha… tất cả đều cao hơn lúa gấp nhiều lần. Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhận định: “Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Sóc Trăng khuyến cáo và hỗ trợ nông dân những nơi có điều kiện chuyển đổi đất lúa sang trồng bưởi; đây cũng là hướng sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu”. Cùng quan điểm trên, ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở kinh doanh trái cây Hương Miền Tây (Bến Tre) cho biết: “Nếu tính toán chi tiết thì giá bưởi da xanh từ 10.000 - 20.000 đồng/kg là nông dân đã có lãi, nhưng thực tế nhiều năm qua, giá bưởi da xanh luôn dao động khoảng 35.000 - 55.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Đức, Cộng hòa Czech, Hà Lan… có nhu cầu nhập khẩu bưởi da xanh rất lớn, nhưng chúng ta không đủ số lượng cung cấp do còn phải phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa”. 

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, đến nay rau quả của nước ta được xuất khẩu sang khoảng 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó nhiều loại trái ngon được các thị trường khó tính ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ chấp nhận ngày càng nhiều; đây là tín hiệu triển vọng cho trái cây trong thời gian tới. Mặt được là vậy, nhưng để phát triển bền vững và nâng cao giá trị trái cây thì cần tiếp tục đầu tư nhiều mặt, trong đó chú trọng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo quản sau thu hoạch… Ông Nguyễn Vĩnh Quý, chủ cơ sở kinh doanh trái cây Hoàng Quý (Bến Tre) bộc bạch: “Ngoài những tín hiệu tích cực trên thì hạn chế cơ bản của trái cây ĐBSCL là sản xuất quy mô nhỏ, manh mún, đa phần người dân canh tác 3 - 5 công/hộ, do đó khi cần mua số lượng lớn, độ đồng đều cao… thì rất khó. Đây là điều ảnh hưởng đến xuất khẩu. Thêm một trở ngại là chúng ta thiếu thông tin về thị trường, các kênh phân phối trái cây còn hạn chế, vận chuyển trái cây qua nhiều trung gian làm tăng chi phí…”. Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, đã đến lúc phải đẩy mạnh liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và xuất khẩu trái cây nhằm khắc phục những hạn chế tồn tại trước đây. Để việc liên kết thành công thì Nhà nước đóng vai trò chủ đạo để doanh nghiệp, người dân, nhà khoa học… cùng chung sức với nhau. 

Tại Đồng Tháp, nơi có khoảng 25.000ha cây ăn trái với nhiều loại đặc sản như xoài cát chu, quýt hồng, nhãn idol… thời gian qua, UBND tỉnh kêu gọi nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết với các HTX, tổ hợp tác và nông dân sản xuất và thu mua trái cây sạch phục vụ xuất khẩu.  Chính sự liên kết này giúp nông dân an tâm canh tác trái cây theo tiêu chuẩn GAP. Tại Vĩnh Long, HTX chôm chôm Bình Hòa Phước liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo GlobalGAP cho hiệu quả cao. 

Trao đổi với Báo SGGP, ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở kinh doanh trái cây Hương Miền Tây nói: “Giảm giá thành và tăng chất lượng là 2 yêu cầu quan trọng để trái cây ĐBSCL cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Làm được việc này, nhất thiết phải liên kết. Cũng nhờ liên kết mà thị trường xuất khẩu ổn định, lợi nhuận của doanh nghiệp và nông dân được đảm bảo”.
 

Bình luận của bạn