Lối đi cho doanh nghiệp Việt vào thị trường ASEAN
Tại hội thảo “Thị trường ASEAN: Lối đi nào cho doanh nghiệp Việt?” tuần qua, các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đã chỉ ra một số hướng đi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ để có thể thâm nhập vào thị trường này. Hội thảo do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 (thuộc Câu lạc bộ Saigon Times) tổ chức với sự tài trợ và đồng hành của HD Bank và Công ty MM Mega Market (Việt Nam).
Không nên đi riêng lẻ
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC), chia sẻ rằng doanh nghiệp nhỏ không nên đi riêng lẻ vì sẽ rất khó tiếp cận với các nhà kinh doanh và hệ thống phân phối ở nước ngoài. Cần phải có một tổ chức uy tín thuộc cơ quan nhà nước đứng ra làm cầu nối với các cơ quan tương tự ở thị trường các nước, hoặc liên hệ với cơ quan tham tán Việt Nam tại các nước này.
“Là đại diện của một tổ chức nhà nước, chúng tôi thường được các nhà phân phối nước ngoài chào đón, được lắng nghe nhiều khuyến nghị, hướng dẫn để từ đó có thể giúp doanh nghiệp có thể chỉ tốn mất vài ba tháng xuất khẩu được hàng”, ông Hòa chia sẻ. Trong khi đó, nếu mỗi doanh nghiệp tự xúc tiến thì phải mất cả năm trời, nhưng chưa chắc đã thành công.
Ngoài ra, việc tham gia vào các hội chợ, triển lãm hoặc các chương trình xúc tiến thương mại của các nước do các địa phương, các tổ chức xúc tiến thương mại tổ chức nhằm khảo sát, tìm hiểu khả năng tham gia thị trường cũng được xem là một trong những bước đi quan trọng để doanh nghiệp có thể đánh giá về khả năng cạnh tranh của mình.
Dù là thị trường chung, nhưng mỗi nước của khu vực ASEAN khác nhau về phong tục tập quán, văn hóa và thị hiếu tiêu dùng. Do đó, theo lãnh đạo ITPC, doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu được đất nước, con người, tập quán kinh doanh của từng thị trường. Đơn cử Lào, Campuchia và Myanmar là nhóm ba nước có nhiều đặc điểm tương đồng về thị trường. “Ở ba thị trường này, người tiêu dùng thích các chương trình khuyến mãi, chuộng hàng Việt Nam. Đáng chú ý, màu sắc sản phẩm tuyệt đối không nên sử dụng gam màu đỏ, thay vào đó là vàng, xanh lá và tím…”, ông Hòa dẫn chứng.
Hay đối với những thị trường có nhiều người theo đạo hồi như Indonesia, Malaysia, Brunei… các doanh nghiệp cần có một chiến lược riêng. Khác biệt cơ bản của thị trường Hồi giáo là chứng nhận Halal. Dù sản phẩm đạt được những chứng nhận của các tổ chức quốc tế, nhưng không có chứng nhận Halal là khó thu hút sự quan tâm người Hồi giáo, cộng đồng chiếm khoảng 2/5 dân số ASEAN. Giám đốc ITPC cũng lưu ý rằng các doanh nghiệp nên tìm hiểu thật kỹ cả khâu thiết kế, hình thức, ngôn ngữ bao bì sản phẩm.
“Bà đỡ” từ nhà phân phối ngoại
Có một hướng đi nữa được xem khá hữu hiệu và đang được thúc đẩy nhiều trong những năm gần đây là thông qua những “ông lớn” là những nhà phân phối, bán lẻ của các nước đã mở cơ sở kinh doanh ở Việt Nam. Bà Punthila Puripreecha, Giám đốc vận hành của Công ty TNHH MM Mega Market (Việt Nam), cho biết ngoài việc kinh doanh ở Việt Nam công ty bà còn hỗ trợ, tìm kiếm những nhà cung cấp trong nước để đưa hàng vào bán tại hơn 1.400 siêu thị và cửa hàng tiện lợi của tập đoàn.
Công ty bà Puripreecha đã xuất khẩu hàng triệu đô la Mỹ những mặt hàng thực phẩm khô, hàng may mặc và thực phẩm tươi sống của Việt Nam sang hệ thống phân phối của tập đoàn trong khu vực ASEAN. Đáng chú ý, vào quý I/2018, MMVN đã nhận giấy phép xuất khẩu trực tiếp và xuất đơn hàng đầu tiên hơn 100 tấn nông sản Việt gồm khoai lang vàng, khoai lang tím, thanh long, trái cây sấy, bánh tráng… sang 700 siêu thị Big C Thái Lan. Theo đại diện MMVN, sản phẩm nông sản của Việt Nam được người tiêu dùng các nước trong khu vực đánh giá cao về chất lượng và giá cả cạnh tranh…
Hiện công ty đang tổ chức các chuyến đi thực tế cho đội ngũ thu mua từ Thái Lan sang Việt Nam. Trong các chuyến đi, MM Mega Market Việt Nam cũng giới thiệu các vùng nguyên liệu, quy trình nuôi trồng, sản xuất, quá trình kiểm soát chất lượng…
“Do vậy nếu các doanh nghiệp có nhu cầu đưa hàng vào hệ thống, các doanh nghiệp cần tìm hiểu nhu cầu thị trường của sản phẩm bạn đang có cũng như của đội thu mua, chúng tôi sẽ hỗ trợ các bạn về mặt quy trình, kỹ thuật để đưa hàng hóa vào hệ thống”, bà Punthila Puripreecha nói.
Trên thực tế, chuỗi hệ thống phân phối Central Group, Lotte, Aeon,… đang kinh doanh ở Việt Nam cũng đã và đang tìm kiếm nhiều sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam xuất đi thị trường nhiều nước.
Ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty Gỗ An Cường, cho rằng để tiến vào thị trường ASEAN, doanh nghiệp không vội đầu tư ngay mà nên thông qua hệ thống đại lý bản địa trước vì đây được xem là bước đi phù hợp để chi phí thấp nhất ở thời điểm đầu khai phá thị trường.Tương tự, ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sơn Việt, một doanh nghiệp chuyên sản xuất và gia công các sản phẩm đồ nội y cho các thương hiệu quốc tế, lưu ý doanh nghiệp nên biết rằng những sản phẩm đã được nhận biết và tiêu thụ tốt ở Việt Nam nhưng vẫn là thương hiệu mới mẽ với người tiêu dùng của các thị trường trong khu vực. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải trường vốn để xây dựng thương hiệu vốn cần thời gian dài. Do đó, nếu là doanh nghiệp nhỏ và tài chính có hạn thì nên đi theo hướng khác như quảng bá sản phẩm qua kênh thương mại điện tử.