Long An: Tìm đầu ra ổn định cho nông sản

Muốn đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, các nhà cung cấp của Long An cần nhanh chóng nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo số lượng lớn, ổn định. Đây là thông tin được nhấn mạnh tại hội thảo giữa doanh nghiệp với nhà quản lý về việc tiêu thụ hàng hóa chủ lực của tỉnh Long An, diễn ra chiều 21/4 tại TP. Hồ Chí Minh.

Sản xuất còn phân tán, manh mún

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An cho biết, trong những năm qua, ngành sản xuất nông nghiệp Long An có mức tăng trưởng khá, nhiều cây trồng và giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất như cây thanh long, chanh, rau ăn lá, lúa, các giống vật nuôi như bò ngoại, lợn ngoại, các giống gia cầm hướng trứng, hướng thịt...

Nhiều loại nông sản hàng hóa cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu với số lượng lớn như: Lúa 2,8 triệu tấn/năm; rau, đậu các loại 180.000 tấn/năm; hoa quả 158.000 tấn/năm (trong đó, thanh long 78.000 tấn/năm; chanh 75.000 tấn/năm…); sản lượng thịt hơi các loại 72.000 tấn/năm; trứng gia cầm 160 triệu quả/năm…

Bên cạnh những kết quả trên, ngành nông nghiệp của Long An vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế như: sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ, chủ yếu là hình thức hộ gia đình, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức; ngành chăn nuôi chưa thực sự phát triển theo chiều sâu, chưa có sản phẩm chủ lực; chất lượng và sức cạnh tranh chưa cao; áp dụng công nghệ mới chưa đồng bộ… Đặc biệt, kênh tiêu thụ hàng hóa chủ yếu vẫn là thông qua hoạt động của hệ thống thương lái (chiếm trên 87% lượng nông sản của tỉnh). Theo kênh tiêu thụ này, hàng hóa nông sản của tỉnh từ sản xuất đến tiêu dùng phải trải qua nhiều khâu trung gian. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều mặt hàng nông sản tiêu thụ không ổn định.

Cần nâng cao chất lượng sản phẩm

Chia sẻ kinh nghiệm từ TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua Sở Công Thương thành phố đã triển khai kết nối tiêu thụ nông sản với đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ. Kết quả chương trình khá khả quan khi nhiều đơn vị tại các địa phương kết nối được với các kênh phân phối lớn của thành phố. Tuy nhiên, sau đó nhiều đơn vị đã không tồn tại được và buộc phải rút lui tại các hệ thống phân phối. Nguyên nhân là do các đơn vị cung cấp này sản xuất nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu, chất lượng không đồng đều, sản lượng trồi sụt… dẫn đến việc không đáp ứng các yêu cầu của nhà phân phối như sản lượng nhiều, chất lượng ổn định…

Theo ông Phương, TP. Hồ Chí Minh là thị trường lớn, có sức tiêu thụ mạnh các sản phẩm nông nghiệp và các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn giá của TP. Hồ Chí Minh là những đơn vị cung ứng chính cho thị trường. Do đó, các nhà cung cấp của Long An cần lưu ý vấn đề này để kết nối hiệu quả hơn với các doanh nghiệp bình ổn thị trường, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đơn cử như với sản phẩm thịt heo thì liên kết với Vissan, trứng gia cầm có công ty Ba Huân, thịt gà có công ty San Hà…

Liên quan đến tiêu thụ thịt heo, ông Nguyễn Thành Lân, Giám đốc kinh doanh Vissan cho hay, xu hướng hiện nay của người tiêu dùng là cần các sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, do vậy ngoài tự sản xuất các sản phẩm sạch từ heo, Vissan đã liên kết với 228 hộ dân tại một số tỉnh để cung cấp heo theo tiêu chuẩn VietGAP ra thị trường. Ông Lân khuyến nghị, các hộ sản xuất chăn nuôi tại Long An cần đi theo hướng sản xuất sạch, chỉ có như vậy sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Dưới góc nhìn của các nhà phân phối, ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Phòng dịch vụ - Quản lý mặt bằng chợ Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, trong số các mặt hàng nông sản, thịt heo… được nhập về chợ mỗi đêm thì sản lượng của Long An chiếm tổng giá trị 12 tỷ đồng (khoảng 12%). Đây là con số khá khiêm tốn so với năng lực sản xuất của Long An.

Ông Hoàng cho biết, để có thể thâm nhập thị trường TP. Hồ Chí Minh, hàng nông thủy sản của Long An cần phải nâng cao chất lượng hơn, đảm bảo các quy chuẩn theo yêu cầu của cơ quan chức năng địa phương và TP. Hồ Chí Minh và cần được sơ chế tại nguồn. Nếu đạt các tiêu chí này, sản lượng nông thủy sản của Long An chắc chắn sẽ tiêu thụ mạnh hơn trong thời gian tới.

Còn theo ông Nguyễn Vũ Toàn, Giám đốc Phòng Kinh doanh thực phẩm Saigon Co.op, muốn phát triển bền vững, tìm đầu ra ổn định cho nông sản, Long An cần hướng tới việc quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp cần phải sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm như VietGAP, GlobalGAP...

Bình luận của bạn