Lục Ngạn: Chủ động đón vụ vải mới

Thời điểm này, trái vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) mới chuẩn bị ra hoa nhưng tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn đã có sự chuẩn bị sẵn sàng để đón vụ vải mới trong tâm thế hướng đến những thị trường khó tính nhất.

Mùa vải năm 2015 tại Bắc Giang khép lại với những kết quả khả quan cả về tiêu thụ, giá cả lẫn thị trường mới. Giá vải năm 2015 được đánh giá là cao nhất trong 60 năm qua, với giá bán bình quân khoảng 15.000 đồng/kg. Số tiền thu được từ vải thiều tại Lục Ngạn là 1.170 tỷ đồng, còn với cả tỉnh Bắc Giang là trên 2.500 tỷ đồng.

Để chuẩn bị cho vụ vải mới, ngay từ đầu năm 2016, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục triển khai cho bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng vải, thực hiện quy trình san xuất theo VietGap và GlobalGap. Cùng với việc thương hiệu vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia, huyện Lục Ngạn sẽ tiếp tục đăng ký thương hiệu tại các thị trường tiềm năng như Mỹ, Úc, Malaysia, Singapore và Nga…

Theo kế hoạch, năm 2016, tỉnh Bắc Giang sẽ mở rộng vùng được cấp mã số, nâng từ 60,38 ha ở xã Hồng Giang lên 100 ha và mở rộng thêm 50 ha ở hai thôn Chão Mới và Chão Cũ của xã Giáp Sơn, nâng diện tích sản xuất theo quy trình GlobalGap lên 150 ha, nâng số vùng được cấp mã số vùng trồng từ 6 vùng (năm 2015) lên hơn 10 vùng (năm 2016). Tỉnh Bắc Giang sẽ không mở rộng thêm diện tích trồng vải mà đẩy mạnh chuyển đổi sang trồng theo quy trình VietGap và GlobalGap, giữ vững về số lượng và tăng mạnh về chất lượng.

Hiện Lục Ngạn có 16.290 ha diện tích đất trồng vải thì có 10.500 ha theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap. Tỉnh Bắc Giang chi trả kinh phí 15- 17 triệu đồng/ha cho những vùng làm thí điểm GlobalGap, đồng thời, hỗ trợ cho người dân một phần thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Trần Quang Tấn- Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang- cho biết, hiện Sở đang chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2016 với từng thị trường để có sự chuẩn bị phù hợp. Về thị trường tiêu thụ, huyện Lục Ngạn định hướng, một mặt vẫn mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Malaysia, Singapore, mặt khác, chú trọng đến thị trường nội địa và Trung Quốc. UBND tỉnh Bắc Giang đã làm việc với Công ty Cổ phần suất ăn Hàng không Nội Bài để đưa trái vải thiều vào các chuyến bay của Vietnam Airlines.“Năm ngoái, Bắc Giang đã  đưa khoảng 30 tấn trái vải vào suất ăn của các chuyến bay nội địa, năm nay hướng đến các chuyến bay quốc tế, đây là hình thức quảng bá sản phẩm cho đất nước”- ông Trần Quang Tấn nói.

Theo ông Trần Quang Tấn, mới đây, Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm có trụ sở tại Hà Nội đã đăng ký thêm 3 vùng trồng, liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ với nông dân tại các xã Tân Mộc (9,45 ha), Tân Sơn (13,5 ha) và Kiên Lao (10,5 ha). Ở 3 vùng trồng này, theo cam kết ban đầu, công ty sẽ mua từ 50 - 70% loại quả chất lượng cao. Công ty đang kết nối với Vietnam Airlines trong vụ vải năm nay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận chuyển từ 1 - 2 container/ngày bằng máy bay xuất hàng sang Úc. Malaysia và bán tại thị trường nội địa. Năm 2016, huyện Lục Ngạn sẽ thành lập thêm các hợp tác xã (HTX), đồng thời đẩy mạnh hoạt động của các HTX hiện có là Hồng Xuân và Hồng Giang ở Kép 1 (nơi có 150 ha diện tích cây vải GlobalGap), HTX Trại Mới ở Giáp Sơn, để tiếp nhận các nguồn vốn trong triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Bình luận của bạn