Mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm Việt có thế mạnh
Các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đang thông qua các kênh phân phối hiện đại để "vươn ra biển lớn" và khẳng định thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.
Để giúp hàng Việt Nam thâm nhập vào các kênh phân phối hiện đại của nước ngoài, mới đây Bộ Công Thương đã xúc tiến việc ký kết tiêu thụ hàng hóa Việt Nam tại hệ thống phân phối của Tập đoàn Central Group (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản)…
Theo đó, Tập đoàn bán lẻ Aeon dự kiến đến năm 2020 sẽ tiêu thụ khoảng 500 triệu USD hàng hóa từ Việt Nam; đồng thời kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng Việt sẽ nâng lên gấp đôi vào năm 2025. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng vừa tổ chức tuần lễ hàng Việt tại Singapore với hơn 600 mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như tôm, cá, phở, trái cây… được đem đến đất nước bạn, giúp hàng Việt lan tỏa thị trường nước ngoài nhiều hơn.
Đại diện các nhà bán lẻ từ nước ngoài cho biết, Việt Nam có nhiều sản phẩm tiêu dùng được người nước ngoài ưa thích như trái cây, gạo, cà phê… vì vậy doanh nghiệp Việt nên tăng cường thêm nhiều hình thức xuất khẩu để tăng hiệu quả kinh doanh. Chẳng hạn, ngoài xuất khẩu trực tiếp thông qua đối tác nước bản địa, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng kênh phân phối hiện đại nước ngoài để đưa hàng Việt vào thị trường ngoại.
Hiện nay, một số nhà phân phối hiện đại đang giúp hàng hóa Việt Nam vươn xa hơn như: Saigon Co.op, Aeon, Big C, Lotteria… Cụ thể, hệ thống Saigon Co.op vừa giúp doanh nghiệp Việt xuất khẩu quả vải, bưởi da xanh, khoai lang… sang Singapore; hệ thống Lotteria giúp hàng Việt xuất khẩu hàng tiêu dùng và hàng đặc sản qua Hàn Quốc…
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết trung bình một năm, đơn vị thu về gần 2 triệu USD cho các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Singapore như bưởi năm roi, khoai lang, thanh long… Đối với kênh phân phối ngoại như Aeon, nhiều mặt hàng trong nước đã có mặt trong hệ thống phân phối của đơn vị này ở nước ngoài. “Dự kiến đơn vị sẽ gia tăng xuất khẩu với sản lượng khoảng 1.500 tấn trong năm 2019. Ngoài mặt hàng thực phẩm tươi sống, một số loại trái cây Việt cũng đã vào hệ thống Aeon. Cụ thể, trái xoài Việt Nam tham gia thị trường Nhật Bản và cạnh tranh với xoài Thái Lan, Philippines, Pakistan...”, ông Nguyễn Anh Đức cho biết.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch phụ trách Trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững Tập đoàn Central Group, cho biết khoảng 50 sản phẩm thế mạnh của Việt Nam đang có mặt trong các siêu thị trên toàn cầu của doanh nghiệp. "Con số trên không nhiều so với vô số sản phẩm Việt, tuy nhiên cũng giúp hàng Việt tạo dấu ấn ở thị trường ngoại. Sắp tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp Việt để đem hàng hóa Việt chất lượng tới tay người tiêu dùng nước ngoài nhiều hơn", bà Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Ông Nguyễn Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết việc mở rộng thị trường xuất khẩu được xem là một chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và cạnh tranh. Hiện nay, để hàng Việt có cơ hội vươn ra biển lớn, các đơn vị, cơ quan xúc tiến thương mại trong và ngoài nước đang làm cầu nối liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất trong nước với các nhà phân phối hiện đại của nước ngoài. Thông qua kênh phân phối hiện đại nước ngoài, các mặt hàng chất lượng cao và thế mạnh của Việt Nam ngày càng vươn xa hơn.
Ngoài sự kết nối của Bộ Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại TP Hồ Chí Minh (ITPC) cũng là một trong những cầu nối quan trọng giúp doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh "vươn ra biển lớn".
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho hay, ITPC đang đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng tại nhiều quốc gia, nhiều thị trường khác nhau qua kênh phân phối hiện đại. Hiện các sản phẩm đặc sản thế mạnh của Việt Nam như cà phê, hạt điều, cá, tôm, xoài… đã được giới thiệu và bày bán tại các nước: Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Maylaysia... và cũng được nhiều người tiêu dùng nước bạn yêu thích.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn, muốn đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài nhiều hơn, các doanh nghiệp trong nước cần khắc phục các khuyết điểm trên sản phẩm. Theo đó, doanh nghiệp cần chú trọng vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm nhiều hơn, đảm bảo nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế. Ví dụ như quả xoài Việt Nam rất ngon nhưng so sánh với Philippin hay Thái Lan vẫn chưa thể cạnh tranh, bởi xoài Việt thua xoài nước bạn ở vị ngọt.
Đối với thực phẩm đóng gói, một số nhà bán lẻ quốc tế nhận định, bánh phồng tôm Việt ngon hơn cả các sản phẩm cùng loại của Thái. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn chưa được người tiêu dùng lựa chọn vì bao bì chưa phù hợp, thiếu tiếng Anh hoặc tiếng Thái… Do đó, các doanh nghiệp muốn sản phẩm tồn tại trong các hệ thống phân phối hiện đại của các nước cần đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi chỉ khi doanh nghiệp khẳng định thương hiệu Việt bằng chất lượng thì sản phẩm đó sẽ vươn xa hơn và được người tiêu dùng nước ngoài lựa chọn.