Những mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản và các sản phẩm của các làng nghề chiếm một tỷ trọng lớn trong chợ. Nguồn: internet
Tuy nhiên, cũng còn nhiều hạn chế do nguồn ngân sách đầu tư hỗ trợ từ Trung ương eo hẹp; khả năng xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển vào các địa bàn này còn khó khăn...
Do vậy, một trong những nguồn động lực chính thúc đẩy kinh tế phát triển vùng nông thôn, miền núi là khuyến khích sản xuất hàng hóa và tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Gắn kết quá trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm
Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn các huyện miền núi, hải đảo có khoảng 3.200 chợ, trung tâm thương mại; 44.000 doanh nghiệp và 95.000 cơ sở sản xuất - kinh doanh.
Sự hiện diện của các chợ, trung tâm thương mại này đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi, hải đảo; tạo những chuyển biến tích cực trong hoạt động thương mại của khu vực này.
Lý giải cho sự phát triển trên, ông Dương Duy Hưng - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, sở dĩ thương mại ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo có được những bước tiến đáng kể nêu trên, một phần quan trọng là do hệ thống cơ chế, chính sách về kinh tế - thương mại cơ bản đã được nghiên cứu, ban hành, thực sự trở thành công cụ điều chỉnh các hoạt động thương mại ở khu vực này đi đúng hướng, qua đó góp phần khuyến khích, thu hút được các doanh nghiệp, các hộ gia đình, những thương nhân và cư dân trong khu vực tham gia.
Cụ thể, triển khai thực hiện Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 về phát triển và quản lý chợ, Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP số lượng chợ được cải tạo nâng cấp tiếp tục tăng với sự đa dạng về loại hình và cấp độ chợ.
Theo đó, từ năm 2011 - 2014, số lượng chợ được xây dựng mới là 710 và chợ được cải tạo nâng cấp là 1.220. Tổng số chợ cả nước tính đến tháng 12/2014 khoảng 8.568.
Tính chung trên các địa bàn, giá trị hàng hóa dịch vụ qua hệ thống chợ chiếm trung bình khoảng 40%, góp phần vào việc tiêu thụ nông sản hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân.
Riệng tại địa bàn nông thôn, miền núi, biên giới, hiện có khoảng 6.596 chợ, chiếm 76,98% tổng số chợ của cả nước. Thị phần hàng hóa dịch vụ tại chợ ở địa bàn nông thôn chiếm từ 50 - 70%.
Ngoài những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, những mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản và các sản phẩm của các làng nghề chiếm một tỷ trọng lớn trong chợ. Trong giai đoạn 2010 - 2015, tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương vào các dự án phát triển chợ lên tới 451,701 tỷ đồng, ngân sách địa phương 2.487,338 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp được triển khai tại nhiều địa phương, bao gồm: Mô hình doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung và mô hình doanh nghiệp - hộ kinh doanh - hộ nông dân ở vùng sản xuất phân tán.
Trong đó, doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, quy trình kỹ thuật và nêu rõ yêu cầu chất lượng nông sản đối với các hợp tác xã, sau đó các hợp tác xã này chuyển giao lại cho xã viên thực hiện. Khi sản phẩm hoàn thành, các xã viên có trách nhiệm chuyển lại cho hợp tác xã để hợp tác chuyển giao cho doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã tổ chức kết nối doanh nghiệp tham gia mô hình với các siêu thị (CoopMart, Hapro, Intimex...) để tạo cầu nối tiêu thụ trực tiếp nông sản cho nông dân và cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân.
Hiện nay, dự án mô hình thí điểm tiếp tục được triển khai nhân rộng không chỉ ở các tỉnh được ngân sách trung ương hỗ trợ mà còn được triển khai tại các tỉnh, thành trên cả nước bằng nguồn vốn ngân sách địa phương. Điều đó cho thấy hiệu quả thiết thực của dự án đối với các chủ thể tham gia mô hình cũng như thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa, nông sản tại địa phương.
Để đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ hàng hóa cũng như tăng cường hoạt động liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, góp phần đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hàng hóa công nghiệp nông thôn, lâm, nông, thủy sản và mở rộng thị trường trong nước, từ tháng 7/2009 đến cuối năm 2014, Bộ Công Thương đã phê duyệt tổng số hơn 618 đề án xúc tiến thương mại quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước khoảng 376 tỷ đồng.
Trong đó, có khoảng 356 đề án xúc tiến thương mại tập trung vào thị trường trong nước, miền núi, biên giới và hải đảo với tổng kinh phí được Nhà nước hỗ trợ là hơn 168 tỷ đồng. Các đề án này chủ yếu là các hội chợ triển lãm thương mại cấp vùng và các hoạt động phân phối hàng Việt đến khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn.
Bên cạnh đó, các sở công thương đã tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá và đưa sản phẩm tới người tiêu dùng một cách hữu hiệu. Thông qua đó, làm thay đổi dần thói quen tiêu dùng của người dân và nhận thức của doanh nghiệp đối với thị trường trong nước.
Theo thống kê tính từ khi thực hiện cuộc vận động đến năm 2014, các sở công thương đã tổ chức thực hiện được 1.875 hội chợ, triển lãm, thu hút 85.650 lượt doanh nghiệp tham gia, với doanh thu bán hàng khoảng 20.546 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các sở công thương đã phối hợp tiếp nhận theo dõi gần 3.000 hội chợ, thu hút hơn 990.474 nghìn lượt doanh nghiệp tham gia.
Đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm
Có thể nói, hệ thống phân phối hàng hóa, như: Các chợ đầu mối, chợ, cửa hàng bách hóa, tạp hóa đã phần nào đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của đồng bào các dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Tốc độ tăng trưởng hoạt động thương mại khá, đóng góp một phần cho cơ cấu GDP của địa phương.
Theo ông Hưng, hiện thương mại mới chủ yếu đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, xăng dầu, vật tư, dụng cụ cho sản xuất và các nhu yếu phẩm cần thiết cho đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Hoạt động thu mua, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nuôi trồng, đánh bắt còn nhỏ lẻ, tự phát.
Hàng hóa còn bộc lộ nhiều hạn chế, năng suất thấp, giá trị không cao, chưa tạo được vùng sản xuất hàng hóa lớn tập trung để có thể mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách trong lĩnh vực này cũng còn nhiều vướng mắc do: Các văn bản về thương mại miền núi, hải đảo chưa mang tính hệ thống, đồng bộ, đôi khi còn trùng lặp, chồng chéo gây ra nhiều bất cập khi triển khai thực hiện; những khó khăn về thị trường, lưu thông hàng hóa chưa được tháo gỡ hoặc quan tâm đúng mức tại khu vực này.
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng kỹ thuật thương mại nói riêng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo còn yếu và thiếu, chủ yếu là các chợ, cửa hàng, cửa hiệu truyền thống do việc chủ trương hóa đầu tư phát triển hạ tầng thương mại ở địa bàn nông thôn, miền núi còn gặp nhiều khó khăn.
Chính sách khuyến khích, ưu đãi nhà đầu tư vào khu vực nông thôn miền núi chưa hợp lý, mức hỗ trợ thấp. Doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân ở vùng nông thôn miền núi của nhiều địa phương còn nghèo nên khó huy động vốn đầu tư để phát triển hạ tầng thương mại, trong khi sản xuất hàng hóa còn phụ thuộc vào thói quen, tập quán của người dân, nông dân chưa được tiếp cận nhiều với quy trình sản xuất tiên tiến, trình độ không đồng đều nên việc tiếp thu tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế; trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý thương mại tại vùng nông thôn, miền núi còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, nhu cầu đào tạo tập huấn rất lớn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Do đó, để thúc đẩy phát triển thị trường, mở lối cho các sản phẩm vùng nông thôn, miền núi biên giới, ông Hưng cho rằng, một trong những vấn đề đầu tiên được coi là động lực chính thúc đẩy kinh tế phát triển là khuyến khích sản xuất hàng hóa và tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, để làm được điều này, bên cạnh những cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư hiện nay, cần đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ hàng hóa cũng như tăng cường hoạt động liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, góp phần đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hàng hóa công nghiệp nông thôn, lâm, nông, thủy sản và mở rộng thị trường trong nước.
Ông Hưng cũng cho rằng, việc tổ chức mạng lưới kinh doanh giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi một mặt, mạng lưới kinh doanh đảm bảo cung ứng các nguyên liệu, vật tư, các công cụ lao động cần thiết cho nông nghiệp và các hoạt động sản xuất khác ở khu vực nông thôn, miền núi cũng như cung ứng các loại hàng công nghiệp tiêu dùng.
Mặt khác, mạng lưới kinh doanh đảm bảo tiêu thụ các loại nông sản hàng hóa và các sản phẩm hàng hóa khác trên địa bàn, tạo điều kiện để khu vực kinh tế này phát triển, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, miền núi.
Với những lợi ích này, ông Hưng cho biết, thời gian tới, Vụ Thị trường trong nước sẽ triển khai Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó có nhóm chương trình hỗ trợ nhằm thay đổi tích cực nhận thức hành vi cộng đồng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về chất lượng hàng Việt Nam, quảng bá hàng Việt đến tay người tiêu dùng và dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu mạng lưới phân phối hàng Việt Nam trên cả nước.
Qua đó, đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, tạo điều kiện đưa các hàng hóa thiết yếu và có thế mạnh của Việt Nam đến tay người tiêu dùng.
Đồng thời, hoàn thiện xây dựng báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020, từ đó tiếp tục đề xuất các giải pháp hỗ trợ phát triển thương mại, sản xuất tiêu thụ tại thị trường nông thôn trong thời gian tới.