Mở rộng thị trường xuất khẩu

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) Đồng Nai đã xuất khẩu hàng hóa sang 171 quốc gia và vùng lãnh thổ, song vẫn tập trung ở một số thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc và một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Để xuất khẩu đạt mức tăng trưởng 9-11% trong năm nay, việc xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường là rất cần thiết.

Theo UBND tỉnh, kế hoạch năm 2018 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sẽ đạt 18,3-18,5 tỷ USD, tăng 9-11% so với năm trước đó. Đồng Nai có trên 50 mặt hàng xuất khẩu chính gồm có sản phẩm công nghiệp và nông sản.

* Tránh lệ thuộc vào một vài thị trường

Các chuyên gia kinh tế cho rằng bên cạnh việc tỉnh hỗ trợ xúc tiến thương mại ra những thị trường tiềm năng thì DN cũng phải chủ động tìm hiểu thông tin để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Lê Phương, Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, cho biết: “DN Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung nếu muốn đưa được hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, trước tiên phải tìm hiểu rõ văn hóa, tránh những điều cấm kỵ, tiếp đến mới là những mặt hàng thị trường cần. Nắm rõ được điều này thì DN dễ dàng chuẩn bị các kế hoạch giới thiệu, quảng bá và đưa hàng hóa vào thị trường”.

Ông Phương đánh giá những năm gần đây, DN khá chủ động trong việc tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm nhưng vẫn còn hạn chế. Cũng theo ông Phương, những mặt hàng đã vào được những thị trường đòi hỏi chất lượng cao như: Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... thì sẽ rất dễ dàng vào thị trường Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, tuy nhiên giá phải cạnh tranh so với những nước khác đang xuất vào thị trường này.

Bà Dương Lê Ngọc Hạnh, Giám đốc Phòng Kinh doanh Công ty cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa, cho hay: “Tín Nghĩa đã xuất khẩu cà phê sang được nhiều quốc gia và thị trường luôn được mở rộng để không bị lệ thuộc. Do đó, tổng công ty không lo đến đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên để nâng giá trị cho cà phê, công ty đã đầu tư chế biến sâu để xuất khẩu cà phê hòa tan và rang xay”.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, năm 2018 xúc tiến thương mại của tỉnh không chỉ tập trung ở những thị trường lớn, truyền thống mà sẽ mở ra những thị trường mới tiềm năng khác để tăng sản lượng hàng hóa xuất khẩu.

* Ưu tiên nông sản

Xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp của Đồng Nai khá ổn định, nhưng nông sản khá bấp bênh và chủ yếu xuất thô, do đó giá trị thấp. Phần lớn nông sản của Đồng Nai cũng như cả nước vẫn phải xuất khẩu dưới thương hiệu của một quốc gia khác nên giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác.

Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại sản xuất Thuận Hương (huyện Định Quán), chia sẻ: “Xuất khẩu nông sản, những sản phẩm chế biến sâu từ nông sản hiện nay rất khó khăn vì chịu sự cạnh tranh gay gắt vời hàng cùng loại từ các nước ASEAN và nhiều nước khác. Với DN nhỏ, việc duy trì và mở rộng thị trường càng khó khăn hơn vì thiếu vốn, nhân lực”. Theo các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, tham gia vào hội nhập sâu sẽ mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu nhưng cũng có những rủi ro đi kèm là khi hàng hóa sản xuất tại Việt Nam không đáp ứng được những đòi hỏi về chất lượng, mẫu mã, giá cạnh tranh sẽ dễ bị loại khỏi cuộc chơi và sân nhà cũng khó giữ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhận xét: “Làm sản phẩm nông nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn rất khó khăn, nhưng các sở, ngành, địa phương có thể hỗ trợ nông dân sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp đến là xây dựng thương hiệu cho nông sản và tiến hành giới thiệu, xúc tiến thương mại để xuất khẩu”. Cũng theo ông Vĩnh, xây dựng được thương hiệu cho nông sản xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn và giá bán cũng cao hơn. Đây cũng là lĩnh vực tỉnh sẽ ưu tiên trong xúc tiến thương mại và mời gọi đầu tư.

Bình luận của bạn