Nâng cao giá trị nông sản trong thương mại hóa sản phẩm

Chiều 21/10, tại Tp. Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi toạ đàm “Nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản đồng bằng”.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động trước thềm Diễn đàn Mekong Connect 2019 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.



Theo các chuyên gia, cùng một sản phẩm nhưng nếu ứng dụng công nghệ và đầu tư mẫu mã thì doanh nghiệp sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, việc chủ động phát triển sản phẩm mới sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới của thị trường thương mại tự do.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Công ty Sài Gòn Food cho hay, hiện sản phẩm của doanh nghiệp tập trung phân phối vào kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi… do đặc thù chủng loại hàng hóa. Tuy nhiên, đối với dòng sản phẩm cháo tươi ăn liền, từ lúc tung sản phẩm ra thị trường đến nay Sài Gòn Food đã cải thiện bao bì sản phẩm đến lần thứ 3, bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, cạnh tranh về giá thành.

Những nỗ lực này đã giúp Sài Gòn Food thành công trong việc chiếm lĩnh thị phần và tạo được niềm tin của người tiêu dùng. Ngoài ra, Sài Gòn Food cũng đang nghiên cứu những dòng sản phẩm mới như bánh chưng được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, với việc đầu tư mẫu mã độc đáo để mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Các Thủy - đại diện Công ty TNHH Tây Cát cho biết, muốn cải thiện tính lỗi thời của sản phẩm truyền thống, đơn vị sản xuất cần ứng dụng công nghệ, tổ chức nghiên cứu từ nguyên liệu đầu vào nhằm nâng cao chất lượng và đầu tư thiết kế mẫu mã làm mới sản phẩm. Nếu doanh nghiệp không ngừng đổi mới sáng tạo thì dù đơn vị sản xuất nhỏ và vừa hay hợp tác xã, cơ sở sản xuất bản địa đều có thể nâng cao giá trị nông sản trong thương mại hóa sản phẩm.

Ghi nhận thực tế, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, nhất là đơn vị sản xuất địa phương đã và đang chú trọng phát triển, làm mới sản phẩm, xây dựng thương hiệu...; trong đó, không ít đơn vị nỗ lực giới thiệu, quảng bá nông sản, đặc sản địa phương đến những thị trường khác nhau, đa dạng kênh phân phối và bán lẻ, từng bước nhận được đơn hàng xuất khẩu.

Ở góc độ nhà bán lẻ, ông Seo Fumio - Phó Tổng giám đốc khối thu mua của Công ty TNHH AEON Việt Nam cho biết, phương châm kinh doanh của hệ thống này là an toàn, tiếp theo là yếu tố tiện lợi. Riêng đối với lĩnh vực nông sản, đặc sản, nhất là rau củ, quả tươi thì AEON yêu cầu có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm như VietGap, Global Gap, Organic. Bên cạnh đó, AEON ưu tiên những sản phẩm tiện lợi, dễ dàng chế biến và thiết yếu hàng ngày; đồng thời những mặt hàng nông sản sử dụng tươi sống không cần nấu chín.

Còn theo ông Steven Starmans - Giám đốc điều hành Công ty Kim Della Trading & Services Co., LTD, vấn đề hiện nay trên thị trường toàn cầu là niềm tin của người tiêu dùng đối với đơn vị sản xuất. Do đó, doanh nghiệp không nên chỉ dừng lại ở khâu kỹ thuật, chứng nhận, mà điều cần làm là giúp cho người tiêu dùng hiểu được nguồn sản phẩm họ sử dụng, quy trình sản xuất chế biến...

Người tiêu dùng đã chuyển đổi thói quen mua sắm, không còn so sánh giá giữa những sản phẩm với nhau mà quan tâm đến những vấn đề liên quan đến thương hiệu sản phẩm. Cụ thể, người tiêu dùng ngày càng ưu chuộng nông sản, đặc sản tự nhiên hoặc được sản xuất theo quy trình xanh – sạch.

Một vấn đề ở vùng MeKong, trong đó có Việt Nam đang hạn chế là đơn vị sản xuất làm ra sản phẩm rất tốt nhưng thiếu sự quảng bá và xây dựng thương hiệu hàng hóa. Chính vì vậy, đơn vị sản xuất cần sớm tiếp cận những phương thức quảng cáo, tiếp thị sản phẩm hiệu quả bằng câu chuyện bản địa với quy trình sản xuất. Song song đó, doanh nghiệp phải quan tâm đúng mức đến khâu khảo sát nghiên cứu thị trường tiêu dùng để giới thiệu ra những sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng./.
 

Bình luận của bạn