Nâng cao hiệu quả, mở rộng chương trình bình ổn giá phục vụ Tết
Thời gian qua, để hạn chế sự tăng giá đột biến trong những dịp lễ, Tết, nhiều địa phương đã tích cực triển khai Chương trình bình ổn giá (CTBOG), đối với các mặt hàng thiết yếu, đem lại những kết quả bước đầu đáng khích lệ... |
Tuy nhiên, theo ý kiến của bạn đọc, trong quá trình triển khai, CTBOG vẫn bộc lộ không ít bất cập, chưa tác động mạnh mẽ đến thị trường và nhất là chưa đáp ứng nhu cầu của đối tượng là người nghèo và người có thu nhập thấp. Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Phương Lan, hình thức triển khai CTBOG trên địa bàn thành phố ngày càng đa dạng, phương thức thực hiện được cải tiến, nhằm đem lại hiệu quả tốt hơn. Từ chỗ chủ yếu hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối, đến nay, chương trình này đã hướng tới tập trung bình ổn giá từ gốc sản xuất, hỗ trợ lãi suất cho người sản xuất, vận chuyển... Qua đó, đã tạo dựng được mối liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất tới nhà phân phối đến người tiêu dùng; tạo lập sự liên kết giữa các doanh nghiệp trên địa bàn và các quận, huyện lân cận. Từ chỗ bán hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chương trình đã tổ chức nhiều chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng về nông thôn, các huyện ngoại thành, vùng núi... tiến tới thiết lập nhiều điểm bán hàng cố định tại các khu công nghiệp, các chợ truyền thống, khu vực nông thôn. Điều này đã góp phần không nhỏ giúp những người có thu nhập thấp có thể tiếp cận được những mặt hàng bình ổn giá. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai CTBOG các địa phương kết hợp thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chương trình xúc tiến thương mại nội địa, cho nên các loại mặt hàng bình ổn ưu tiên được tập trung vào các mặt hàng có nguồn gốc sản xuất trong nước. Thông qua CTBOG, còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động trong việc khai thác nguồn hàng, ký kết hợp đồng sản xuất, dự trữ hàng hóa cung ứng kịp thời hàng hóa khi xảy ra biến động. Nếu như trong những năm đầu mới triển khai, TP Hà Nội chỉ thực hiện bình ổn giá vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, thì từ năm 2010 đến nay, chương trình đã được thực hiện 10 tháng/năm. Số lượng hàng hóa chuẩn bị để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán năm 2017 gồm: gạo 176 nghìn tấn; thịt lợn 30,6 nghìn tấn; thịt gà 12,8 nghìn tấn; thịt bò 9,2 nghìn tấn; trứng gia cầm 187,4 triệu quả; rau, củ quả: 183,4 nghìn tấn; thực phẩm chế biến 11 nghìn tấn, bánh mứt kẹo ba nghìn tấn… Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn TP khoảng 23.500 tỷ đồng, tăng 10% so kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2016. Tại các điểm bán hàng, Sở Công thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp tổ chức bán đúng các mặt hàng thiết yếu đã cam kết. Hàng hóa tại các điểm bán nhìn chung phong phú, đa dạng, có bao bì, nhãn mác ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm chất lượng. Theo ý kiến của chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực, mà CTBOG còn có ý nghĩa rất quan trọng, bởi vì giá của các mặt hàng bình ổn được xây dựng luôn thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 10% đến 15%, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, nhất là người lao động và người có thu nhập thấp. Song, thực tế cho thấy, kết quả thực hiện CTBOG tại Hà Nội nói riêng và trên địa bàn các địa phương khác nói chung vẫn tồn tại nhiều bất cập. Số lượng điểm bán hàng bình ổn giá cũng chưa nhiều, các điểm bán hàng bình ổn đặt sâu trong khu dân cư hầu như không có. Bên cạnh đó, các mặt hàng bình ổn giá cũng kém phong phú về mẫu mã, chủng loại, chỉ tập trung vào các nhóm mặt hàng: Gạo tẻ, thịt lợn, thịt gà, vịt, trứng gà, trứng vịt, thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, cá, thủy, hải sản tươi, đông lạnh, dầu ăn, đường ăn, rau củ tươi, giấy vở học sinh... cho nên chưa đáp ứng được nhu cầu đông đảo của người tiêu dùng. Mặc dù doanh nghiệp bán hàng bình ổn giá nhận được nhiều ưu đãi về vay vốn, vận chuyển, nhưng theo phản ánh của người tiêu dùng, một số điểm bán hàng bình ổn giá trong các siêu thị vẫn niêm yết giá bán nhiều mặt hàng cao hơn giá thị trường. Anh Trần Văn Vĩnh, là công nhân ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên (Hà Nội) cho biết: “Tôi có nghe về CTBOG, nhưng thật sự là chưa bao giờ mua được hàng bình ổn giá và thậm chí còn chưa nhìn thấy điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn phường. Còn chị Hồng Nhung, ở khu tập thể đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy) nói: “Vì nhà tôi gần siêu thị Fivimart, tôi cũng thường xuyên mua một số mặt hàng có trong chương trình bán hàng bình ổn giá. Nhưng phải nói thật là, hầu như rất ít mặt hàng có giá bán thấp hơn bên ngoài, mà giá thường bằng hoặc cao hơn thị trường tự do. Nếu so sánh hàng ngoài chợ với hàng bình ổn giá trong siêu thị thì những mặt hàng tươi sống ở chợ tôi thấy tươi ngon và rẻ hơn”. Đồng tình với các quan điểm trên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, đã gần sáu năm, Hà Nội thực hiện CTBOG, tuy nhiên đến nay, số lượng các điểm bán hàng còn chưa rộng khắp đến các vùng nông thôn, cho nên các đối tượng dân cư được thụ hưởng trực tiếp từ chương trình còn chưa cao. Hệ thống phân phối các mặt hàng nhìn chung còn mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch. Các điểm bán hàng bình ổn vẫn chưa được phủ kín ở các khu vực tập trung nhiều công nhân. Một số ít doanh nghiệp đưa hàng về các vùng sâu, vùng xa thì điểm bán hàng lại khuất tầm nhìn, không ở những vị trí thuận lợi hoặc số lượng hàng sơ sài… Công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, kiểm soát, thực hiện chế độ, chính sách thương mại giữa các ngành, cơ quan còn chồng chéo, chưa đồng bộ dẫn đến hiệu quả chưa cao. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của CTBOG dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, đồng thời nhân rộng và phát triển quy mô chương trình, các cấp, ngành cần tập trung phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn theo hướng tiếp tục mở rộng ra các địa bàn nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất và các chợ truyền thống. Ngoài việc mở rộng đối tượng được hỗ trợ vốn vay, khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện tham gia chương trình, cần tăng cường hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn và các địa phương trong việc tạo lập chuỗi sản xuất, cung ứng bền vững các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, nhằm tạo nguồn hàng ổn định cho thị trường với giá hợp lý, kiểm soát được chất lượng. Bên cạnh đó, phải tổ chức được mạng lưới phân phối hàng bình ổn giá đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Có biện pháp xử lý đối với những siêu thị, đại lý đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá, nhưng lại không bán hoặc bán với giá cao hơn giá các mặt hàng cùng loại. Về lâu dài, cần mở rộng, lồng ghép triển khai các cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống các đại lý phân phối hàng Việt Nam, bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. “Cùng với việc mở rộng bán hàng tại khu vực ngoại thành, các khu công nghiệp, khu đông dân cư… các doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo đảm niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, bình ổn giá cả hàng hóa để Hà Nội góp sức cùng cả nước không để chỉ số giá tiêu dùng vượt quá 5%”. TRẦN THỊ PHƯƠNG LAN Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội “Do các điểm bán hàng bình ổn giá của TP Hà Nội đều tập trung tại các siêu thị, trong khi phần lớn người dân có thói quen đi chợ, nên không tiếp cận được với những mặt hàng này. Đây cũng chính là hạn chế lớn nhất, ảnh hưởng nhóm đối tượng được thụ hưởng từ chương trình”. NGUYỄN THỊ HẰNG (Công ty TNHH Minh Thu) “Hiện nay, mạng lưới phân phối hàng bình ổn giá chủ yếu vẫn tập trung ở các hệ thống siêu thị lớn. Còn ở các khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu ký túc xá sinh viên, nơi người dân nghèo sinh sống… vẫn chưa có cơ hội để tiếp cận nhiều với mặt hàng này”. NGUYỄN VĂN HẢI (Xã Quang Minh, Ba Vì, Hà Nội) |