Nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam trong ASEAN

Sáng nay (30/3), tại Hà Nội, nhằm nâng cao nhận thức về cơ hội, thách thức đối với ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, Tổng Cục du lịch phối hợp với Dự án EU tổ chức Hội nghị phổ biến Chiến lược du lịch ASEAN giai đoạn 2016-2025 và các nội dung liên quan đến hội nhập du lịch của Việt Nam.

Hội nghị là diễn đàn để các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các chuyên gia trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp, người lao động chia sẻ thông tin kinh nghiệm, đánh giá cơ hội, khó khăn và thách thức trong quá trình Việt Nam hội nhập. Là cơ hội để các doanh nghiệp có nhận thức đầy đủ về con đường hội nhập, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược hoạt động phù hợp, hiệu quả nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua khó khăn.

Định hướng chiến lược phát triển du lịch khối ASEAN đến 2025

Tháng 1/2016, tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (AFT) tổ chức ở Philippines, Chiến lược Du lịch ASEAN 2016-2025 (ATSP) đã được các Bộ trưởng Du lịch ASEAN chính thức công bố. Để hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), chiến lược đã tập trung phát triển du lịch ASEAN theo định hướng phát huy những giá trị độc đáo và đa dạng của từng nước thành viên, nhưng vẫn đảm bảo tính trách nhiệm, bền vững và cân bằng.

Theo chiến lược, tầm nhìn cho ngành du lịch ASEAN trong thập kỷ tiếp theo đến năm 2025 là: “Đến năm 2025, ASEAN sẽ là một điểm đến du lịch chất lượng, cung cấp trải nghiệm về một ASEAN đa dạng và độc đáo, với cam kết phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững, toàn diện và cân bằng, góp phần đáng kể vào sự thịnh vượng về kinh tế xã hội của người dân ASEAN”.

Để hiện thực hóa tầm nhìn này, chiến lược xác định hai định hướng chính là tăng cường năng lực cạnh tranh của ASEAN như một điểm đến du lịch duy nhất và đảm bảo tính bền vững, toàn diện của du lịch ASEAN.

Theo đó, định hướng chiến lược tăng cường năng lực cạnh tranh của ASEAN như một điểm đến du lịch duy nhất sẽ được thực hiện nhờ việc tăng cường xúc tiến và tiếp thị, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, thu hút đầu tư, nâng cao khả năng và năng lực về đầu tư cho nhân lực; thực hiện và mở rộng tiêu chuẩn du lịch ASEAN về trang thiết bị, dịch vụ và điểm đến, thực hiện, mở rộng kết nối và cơ sở hạ tầng điểm đến, tăng cường tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch.

Ngoài ra, định hướng chiến lược đảm bảo tính bền vững và toàn diện của du lịch ASEAN sẽ được thực hiện nhờ các hành động chiến lược bao gồm đẩy mạnh sự tham gia của khối công tư và của cộng đồng địa phương vào chuỗi giá trị du lịch, đảm bảo an toàn, an ninh, ưu tiên bảo vệ và quản lý các di sản và tăng khả năng ứng phó đối với bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.

Du lịch Việt Nam: Khắc phục hạn chế, phát huy tối đa điểm mạnh

Trong bối cảnh hội nhập ASEAN, ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn. Như sự tăng trưởng nhanh của các thị trường gửi khách, sự hình thành AEC và khu vực ASEAN trở thành điểm đến hấp dẫn, tác động tích cực từ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch Tiểu vùng Mê kông...

Mặt khác, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam hiện được đánh giá khá khả quan. Du lịch Việt Nam đứng thứ 5 trong ASEAN, là điểm đến an ninh, an toàn, thân thiện, tài nguyên du lịch đặc sắc, sản phẩm du lịch đa dạng, nhiều hình thái, nguồn lao động trẻ dồi dào, có khả năng cạnh tranh về giá, khu kinh tế tư nhân phát triển...

Tuy nhiên, những điểm yếu của du lịch Việt Nam cũng được chỉ rõ như trình độ phát triển du lịch mức trung bình; tính sáng tạo, hấp dẫn, đặc thù và đổi mới của sản phẩm, dịch vụ chưa cao, giá trị gia tăng của sản phẩm hạn chế; thiếu dịch vụ vui chơi giải trí, các tổ hợp dịch vụ đẳng cấp; kinh phí xúc tiến hạn chế; chưa có hỗ trợ  mạnh mẽ về cơ chế, chính sách...

Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập AEC, Tổng cục Du lịch cho biết, đã xác định một số mục tiêu chính như: sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm thành viên qua việc triển khai các hoạt động hợp tác du lịch chung ASEAN, cũng  như trong phạm vi các nhóm nước thuộc ASEAN hoặc giữa ASEAN với các nước, khu vực, tổ chức và đối tác phát triển; Chủ động đề xuất sáng kiến và hoạt động hội nhập du lịch ASEAN trên cơ sở thế mạnh của du lịch Việt Nam; sớm giải quyết những điểm yếu nội tại, tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách và vấn đề mang tính liên ngành; Đồng thời có giải pháp ứng phó với thách thức của quá trình hội nhập du lịch trong AEC trên cơ sở phát huy tối đa những điểm mạnh và tận dụng tốt cơ hội mà AEC mang lại,...

Bình luận của bạn