Nâng cao nhận thức, bảo vệ người tiêu dùng
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa hoàn thành đợt tuyên truyền phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho hơn 4.200 tiểu thương, người kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng trên toàn tỉnh. Hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức của các tiểu thương trong việc chủ động kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, đồng thời biết bảo vệ người tiêu dùng cũng là bảo vệ việc kinh doanh của mình.
Chủ động kiểm soát nguồn gốc hàng hóa
Theo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong năm 2016, Hội đã tổ chức 30 lớp tập huấn ở 30 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh nhằm phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, qua đó nâng cao ý thức của các tiểu thương trong quá trình kinh doanh, buôn bán. Hội tập trung vào một số nội dung nâng cao nhận thức của các tiểu thương, người buôn bán nhỏ về việc chủ động kiểm soát nguồn hàng, phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không bán hàng hết hạn sử dụng, cách xử lý khi tiếp nhận thông tin khiếu kiện, khiếu nại của khách hàng, phân biệt xuất xứ hàng hóa, ưu tiên mua bán hàng Việt Nam có uy tín, chất lượng…
Chị Nguyễn Thị Đông, chủ cửa hàng tạp hóa Kim Đông, thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, cho biết: Những năm gần đây, các cửa hàng tạp hóa, đại lý kinh doanh mọc lên khắp nơi nên việc cạnh tranh rất gay gắt. Để giữ khách, tôi chỉ lấy hàng của những nhà cung cấp uy tín, hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo.
Còn chị Trần Ngọc Hương, bán hàng tại chợ Đa Lộc, xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân, cho biết: Đa Lộc là địa bàn vùng sâu vùng xa nên trước đây nguồn hàng hóa rất hạn chế. Lợi dụng đặc điểm này, nhiều đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng hay đến bán hàng cho bà con cũng như các tiểu thương ở các chợ. Vừa qua, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tuyên truyền về việc phân biệt hàng thật, hàng giả, các thủ đoạn kinh doanh hàng kém chất lượng… nên tất cả người dân đều nâng cao cảnh giác, không mua bán, kinh doanh những loại hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Hiện các tiểu thương ở chợ đã biết phân biệt nguồn gốc hàng hóa nên chủ động lựa chọn hàng Việt Nam để buôn bán.
Bảo vệ người tiêu dùng là bảo vệ chính mình
Theo các tiểu thương, trong thời đại kinh tế thị trường cạnh tranh như hiện nay thì việc bảo vệ người tiêu dùng chính là bảo vệ và giữ gìn việc kinh doanh, mua bán của mình. Do vậy, việc đảm bảo các quyền lợi người tiêu dùng cũng là cách để người bán hàng duy trì việc kinh doanh lâu dài. Chị Đinh Thị Cúc, bán hàng mỹ phẩm tại chợ Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, chia sẻ: Người tiêu dùng hiện nay rất kỹ, không còn tâm lý chuộng hàng rẻ tiền như trước. Nếu cảm thấy nguồn hàng không đảm bảo chất lượng hay giá bán không cạnh tranh thì họ từ chối mua. Do vậy, bản thân mỗi người bán hàng phải nghiên cứu thị trường cũng như nhu cầu tiêu dùng của khách hàng để tìm nguồn hàng có chất lượng và bán với giá phù hợp thì mới giữ được khách hàng.
Còn theo bà Trương Thu Phương, kinh doanh dịch vụ ăn uống tại TX Sông Cầu, với sự phát triển của các kênh thông tin như hiện nay, chỉ với một thông tin bất lợi nhỏ đưa lên báo chí hoặc các trang mạng xã hội thì người làm nghề kinh doanh dịch vụ rất khó làm ăn lâu dài. Do vậy, bản thân mỗi người kinh doanh dịch vụ ăn uống luôn cố gắng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như tính toán giá cả phù hợp để cạnh tranh với những cơ sở khác. Tôi luôn dặn nhân viên phải bảo vệ người tiêu dùng như bảo vệ chính việc làm ăn của mình.Bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cho biết: Từ đầu năm đến nay, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã kết nạp thêm 1.915 hội viên, nâng tổng số hội viên lên 3.235 người. Đặc biệt, trong năm 2016, bên cạnh đối tượng chính là người tiêu dùng, Hội cũng tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tiểu thương, người kinh doanh hàng hóa, dịch vụ để các thành phần này tự nhận thức được trách nhiệm của mình với người tiêu dùng, đồng thời ý thức hơn trong việc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ; chủ động giải quyết, bảo vệ người tiêu dùng khi có khiếu kiện, khiếu nại đối với sản phẩm, hàng hóa… Hội cũng đang hướng đến thành lập các câu lạc bộ tiểu thương tại các chợ để các tiểu thương chia sẻ kinh nghiệm, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng; góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như người kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.