Nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm- Doanh nghiệp thay đổi phương thức sản xuất
Để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng, hiện nhiều doanh nghiệp (DN) đã có sự thay đổi trong phương thức sản xuất theo hướng tăng cường sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thuần Việt để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa.
Ông Lương Văn Tuyến - Phó giám đốc Công ty CP Ắc quy Tia Sáng - chia sẻ, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, DN gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối diện với không ít thách thức khi phải cạnh trạnh nhiều hơn với các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy DN phải nỗ lực vận động để đưa ra thị trường các sản phẩm tốt và có giá thành thấp để cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài. Một trong những giải pháp để đạt được điều này là sử dụng các nguyên liệu thuần Việt.
Nhiều năm qua, Công ty CP Ắc quy Tia sáng đã chủ động sử dụng các nguyên liệu trong nước cho việc sản xuất của mình. Bên cạnh việc có giá thành cạnh tranh do tốn ít thời gian vận chuyển, việc sử dụng nguyên liệu trong nước còn giúp DN chủ động thời gian giao hàng, dễ dàng trong việc bảo dưỡng… Cùng với việc liên tục đầu tư công nghệ và thiết bị tiên tiến để đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng phục vụ người tiêu dùng, vài năm gần đây, công ty đã có tăng trưởng 5-10% mỗi năm, cá biệt có những năm lên tới 15%.
Nhận thấy bạn hàng ngày càng có nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu trong nước, Công ty CP Thực phẩm Minh Dương đã nỗ lực đầu tư công nghệ, sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao nhất để bán cho các DN sản xuất thực phẩm. Ông Lưu Ngọc Linh - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Minh Dương - cho hay, sau nhiều năm kiên định mục tiêu cung cấp các sản phẩm nguyên liệu thực phẩm an toàn, không chứa chất bảo quản gây hại, hiện các sản phẩm nguyên liệu làm bánh kẹo của công ty đã chinh phục được nhiều DN bánh kẹo lớn của Hà Nội như Tràng An, Hữu Nghị… Sản phẩm của công ty cũng được cung cấp cho các siêu thị lớn và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch với sức tiêu thụ tốt, tăng trưởng đạt từ 7-10%/năm.
Trên đây chỉ là 2 ví dụ cho thấy sự ưu tiên của DN trong việc sử dụng các nguyên phụ liệu trong nước phục vụ cho sản xuất các sản phẩm hàng hóa với sức cạnh tranh cao. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều DN Việt Nam. Theo thống kê của Công đoàn ngành Công Thương Việt Nam, kể từ khi phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm đầu vào, nguyên liệu cũng như thiết bị, máy móc của các DN tăng bình quân 25%/năm.
Tiếp tục khuyến khích các DN nỗ lực nội địa hóa, ưu tiên sử dụng nguyên phụ liệu trong nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai mạnh các chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa Việt, giúp hình thành những chuỗi khép kín sản xuất ra các mặt hàng Việt Nam có chất lượng. Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các DN nâng cao vị thế của hàng Việt Nam với Chủ đề “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, tạo nền tảng và môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, phòng vệ thương mại, củng cố lực lượng quản lý thị trường để ngăn chặn việc sản xuất hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi của DN và người tiêu dùng.