Nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa Việt: Hình thành chuỗi liên kết
Cạnh tranh trên thị trường bán lẻ ngày càng khốc liệt và nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ đang tích cực xây dựng các chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến phân phối để nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, hàng hóa Việt.
Ông Vũ Vinh Phú - Chuyên gia bán lẻ - cho hay, việc duy trì mối quan hệ mật thiết với các nhà cung ứng và sản xuất nội địa, nông dân Việt Nam, khách hàng, nhân viên cũng như chính quyền địa phương và cộng đồng là yếu tố quan trọng phát triển bền vững trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại. Bởi hoạt động này sẽ giúp tất cả các bên trong chuỗi cung ứng cùng có lợi ích lâu dài như DN bán lẻ có được nguồn hàng chất lượng, hàng hóa Việt có đầu ra ổn định. Đây cũng là lợi thế lớn nhất mà DN bán lẻ Việt có thể cạnh tranh với DN nước ngoài.
Chủ tịch HĐQT - Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn (UCA) - ông Phạm Anh Tuấn - chia sẻ: UCA hiểu rằng, chỉ chủ động được nguồn hàng hóa thì mới nâng cao sức cạnh tranh. Vì vậy, UCA đã đầu tư cho hệ thống bán lẻ UCAmart ngay từ những ngày đầu thành lập.
Theo đó, UCA đã liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã trên cả nước để tìm nguồn nông sản an toàn kết nối về Hà Nội để tiêu thụ. Người dân ở tất cả các khu vực được UCA chọn mua nông sản được hỗ trợ giống, kỹ thuật và đảm bảo thu mua hết lượng nông sản làm ra. Nhờ đó, đến nay, UCAmart đã có nguồn hàng ổn định từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Dù mới đi vào hoạt động mạnh mẽ 2 năm nay với 7 cửa hàng UCAmart tại Hà Nội, nhưng đây đã trở thành một trong những kênh phân phối bán lẻ rau, củ, quả an toàn 100% Việt Nam được người tiêu dùng Thủ đô ưu tiên chọn lựa. Đồng thời, trở thành nơi cung cấp rau an toàn cho một số trường học tại Hà Nội. Song song với việc mở thêm một số kênh phân phối, UCA còn hướng đến mục tiêu trở thành đơn vị cung cấp rau, củ, quả an toàn cho một số siêu thị lớn như VinMart, Big C…
Tương tự, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh đã triển khai rất nhiều chương trình hợp tác thương mại với các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long để đưa vào tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh. Việc thu mua này được tổ chức tập trung tại vùng nguyên liệu của các địa phương, tập kết tại kho trung tâm nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào, bảo đảm đầu ra phân phối đến tất cả các điểm bán hàng trong hệ thống trên cả nước.
Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh - cho hay, sau thời gian dài đồng hành và phát triển cùng hàng Việt, đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại Saigon Co.op chiếm trên 90% cơ cấu hàng hóa. Trong đó, ngành hàng thực phẩm đang kinh doanh gần 10.000 mặt hàng với tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 95%. Đây cũng là những mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng và mang lại doanh thu lớn cho Saigon Co.op.
Để tiếp tục xây dựng các chuỗi cung ứng hàng hóa Việt, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết: Trong khuôn khổ Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa Việt; hỗ trợ xây dựng các mô hình Điểm bán hàng Việt Nam để hỗ trợ nơi tiêu thụ cho DN sản xuất; hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu về mạng lưới phân phối hàng Việt Nam, tạo điều kiện cho DN kết nối đưa hàng hóa vào phân phối.