Nâng cao vị thế hàng Việt Nam

Hình thành chuỗi liên kết

Cạnh tranh trên thị trường (TT) bán lẻ ngày càng khốc liệt và nhiều DN bán lẻ đang tích cực xây dựng các chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến phân phối để nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho hay, việc duy trì mối quan hệ mật thiết với các nhà cung ứng và sản xuất nội địa, nông dân Việt Nam, khách hàng, nhân viên cũng như chính quyền địa phương và cộng đồng là yếu tố quan trọng phát triển bền vững trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại. Bởi hoạt động này sẽ giúp tất cả các bên trong chuỗi cung ứng cùng có lợi ích lâu dài như DN bán lẻ có được nguồn hàng chất lượng, hàng hóa Việt Nam có đầu ra ổn định. Đây cũng là lợi thế lớn nhất mà DN bán lẻ Việt Nam có thể cạnh tranh với DN nước ngoài.

Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn (UCA) Phạm Anh Tuấn chia sẻ: UCA hiểu rằng, chỉ chủ động được nguồn hàng hóa thì mới nâng cao sức cạnh tranh. Vì vậy, UCA đã đầu tư cho hệ thống bán lẻ UCAmart ngay từ những ngày đầu thành lập. Đến nay, UCAmart đã có nguồn hàng ổn định từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh việc mở thêm kênh phân phối, UCA còn hướng đến mục tiêu trở thành đơn vị cung cấp rau, củ, quả an toàn cho một số siêu thị lớn như: VinMart, Big C…

Tương tự, Liên hiệp HTX thương mại TP Hồ Chí Minh đã triển khai rất nhiều chương trình hợp tác thương mại với các địa phương đồng bằng sông Cửu Long để đưa nông sản vào tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh. Việc thu mua được tổ chức tập trung tại vùng nguyên liệu của các địa phương, tập kết tại kho trung tâm nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào, bảo đảm đầu ra phân phối đến tất cả các điểm bán hàng trong hệ thống trên cả nước.

Để tiếp tục xây dựng các chuỗi cung ứng hàng hóa Việt Nam, Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga cho biết, trong khuôn khổ Đề án Phát triển TT trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa Việt Nam; hỗ trợ xây dựng các mô hình Điểm bán hàng Việt Nam để hỗ trợ nơi tiêu thụ cho DN sản xuất; hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu về mạng lưới phân phối hàng Việt Nam, tạo điều kiện cho DN kết nối đưa hàng hóa vào phân phối. Minh chứng là, bằng nhiều chương trình kết nối, xây dựng chuỗi, đưa hàng Việt Nam vào các kênh phân phối, đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam trong các siêu thị đã lên đến hơn 70%, đặc biệt một số siêu thị như: Co.opmart, VinMart… có tỷ lệ hàng Việt chiếm hơn 90%.

Chủ động hội nhập

Nhớ lại câu chuyện cách đây ba năm, Phó Giám đốc điều hành VinaCapital Đặng Phạm Minh Loan cho biết, Tập đoàn đầu tư vào một DN kinh doanh trong lĩnh vực hàng hóa và tiêu dùng. Tuy nhiên, trong năm 2017, cổ phiếu DN này đã mất 50% giá trị vì mặt hàng kinh doanh sẽ dỡ bỏ hàng rào thuế quan vào đầu năm 2018, nghĩa là hàng hóa của DN bị mất lợi thế cạnh tranh. Tổng Giám đốc DN có nói với chúng tôi là khi dỡ bỏ hàng rào thuế quan, 80% số DN kinh doanh hàng hóa này trong 5 năm tới sẽ đóng cửa. DN này đã nhận thấy nguy cơ trên, do vậy đã đầu tư và đưa vào hoạt động một nhà máy có công suất và quy mô lớn đi kèm thay đổi hệ thống quản trị. Sau khi phân tích giá thành sản xuất của DN, VinaCapital khẳng định, sản phẩm của họ hoàn toàn có thể cạnh tranh khi TT Việt Nam thật sự mở cửa với các nước trong khu vực. Do vậy, VinaCapital vẫn giữ quan điểm tiếp tục đầu tư vào DN. Bởi theo VinaCapital, nếu chịu đổi mới, thay đổi công nghệ quy trình, DN sẽ có cơ hội rất lớn trong hội nhập.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú, DN vẫn cần có “bàn tay” hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nước cần đầu tư hợp lý và hiệu quả cơ sở hạ tầng cho thương mại, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh cho các DN bán lẻ. Giúp họ tiếp cận vốn, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực, để phát triển chuỗi phân phối cả ở thành thị lẫn nông thôn.

Về lâu dài, bà Lê Việt Nga đề nghị, DN sản xuất cần chú trọng cập nhật thông tin đầu tư, nâng cấp dịch vụ, chất lượng, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng (NTD). DN phân phối cần có chính sách ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước, chủ động hỗ trợ DN, hộ nông dân trong sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn trong nước và hướng đến XK. Gần đây, một số lô hàng hoa quả Việt Nam thâm nhập được TT “khó tính”, được đánh giá là “vạn sự khởi đầu nan”, bởi TT khó tính chấp nhận có nghĩa Việt Nam đã có “visa thông quan” cho sản phẩm tiếp theo của mình. Song bản thân DN Việt Nam đừng tự mãn mà không quan tâm tới quản lý lô hàng XK sau này để bảo đảm uy tín chất lượng mà mình cam kết. Trong bối cảnh mức độ cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt, DN Việt Nam cần nỗ lực, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, uy tín, hạ giá thành sản phẩm. Chinh phục khách hàng Việt Nam và vươn tới TT khác trên thế giới.

Nhiều doanh nghiệp chủ động xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến phân phối để nâng cao sức cạnh tranh.

Nâng cao sức cạnh tranh

Theo Phó Tổng Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long Nguyễn Thái Dũng, nhà nước cần tạo ra sân chơi với khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, tạo công bằng cho các DN dù lớn hay nhỏ đều có cơ hội phát triển ở TT Việt Nam. Nếu chậm xây dựng khuôn khổ pháp lý sẽ dẫn đến hệ lụy khi các tập đoàn quốc tế có thể chiếm lĩnh TT, ảnh hưởng quyền lợi NTD và DN Việt Nam. Cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, nhu cầu TT để định hướng cho DN về chiến lược và xu hướng XK sản phẩm sang TT tiềm năng. Bởi lẽ từng DN không thể tự bỏ tiền ra nghiên cứu mà làm được.

Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam và đứng vững trong bối cảnh hội nhập, trước hết cần nâng cao nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của người sản xuất, DN, nhà quản lý trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản xuất. Các DN cần nâng cao năng lực, nâng cao thương hiệu của các sản phẩm. Đây là vấn đề rất quan trọng, vì nó không những đáp ứng nhu cầu, sự lựa chọn của NTD trong nước mà còn giúp các DN vươn ra TT thế giới.

Cùng quan điểm này, bà Lê Việt Nga cho rằng, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu hàng hóa, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như DN theo các định hướng như kết nối khối DN FDI với DN Việt Nam; kết nối DN nhỏ và vừa (NVV) với hệ thống phân phối để hỗ trợ phát triển TT; tăng cường kết nối DN với NTD để nắm bắt thị hiếu, nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam. DN sản xuất cần chú trọng cập nhật thông tin đầu tư, nâng cấp dịch vụ, chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của NTD. DN phân phối cần có các chính sách ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước, chủ động tiếp cận, hỗ trợ các DN, hộ nông dân… trong sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế tới NTD Việt Nam và XK.

Đặc biệt, về việc thúc đẩy thương mại nội địa phát triển, theo bà Nga, ngành công thương đã, đang tập trung triển khai 71 dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề án Phát triển TT trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn đến năm 2020. Trong đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, nhất là trong các dịp lễ, Tết và dịp cuối năm; triển khai các chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa và bình ổn TT để tạo nguồn hàng dồi dào và giá cả ổn định cho NTD… Mặt khác, hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, tập trung trước hết vào các chuỗi hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của TT. Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ DN, đặc biệt là DNNVV cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh. Tập trung các giải pháp quản lý TT, chống hàng nhái, hàng giả, bảo vệ quyền lợi NTD và DN. Ngoài ra, Bộ Công thương sẽ phối hợp các địa phương tổ chức các phiên “chợ hàng Việt về nông thôn”; “hội chợ hàng Việt”… để cung cấp đầy đủ hàng hóa, tăng sức mua cho khu vực này.

Bình luận của bạn