Nâng chất cho hàng hóa xuất khẩu

Do chất lượng thấp và không có thương hiệu, phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam buộc phải duy trì giá trị ở mức thấp hơn các đối thủ cạnh tranh.

Xuất khẩu chưa chủ động

Mới đây, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 1995 – 2015 đã đạt được nhiều thành tích, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều bất cập. Như chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chưa hướng mạnh vào chế biến sâu, phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng còn thấp.

Trong khi đó, giá trị của hàng hóa xuất khẩu còn thấp do chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố sẵn có về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động rẻ, dẫn tới năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới thấp. Khoảng 90% nông sản xuất khẩu dạng thô hoặc sơ chế, chất lượng thấp, chưa có thương hiệu.

Do chất lượng thấp và không có thương hiệu, phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam buộc phải duy trì giá trị ở mức thấp hơn các đối thủ cạnh tranh. Đơn cử, gạo Việt Nam giá bán luôn thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan 3-5%. Cá tra Việt Nam hiện chiếm 90% thị phần thế giới song giá bán thấp hơn 20-30% sản phẩm tương tự.

Chỉ ra nguyên nhân vì sao năm nay xuất khẩu gạo sụt giảm chưa từng có, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngoài những nguyên nhân bên ngoài tác động thì những nguyên nhân chủ quan như chất lượng gạo của chúng ta chưa cao, chưa định vị thương hiệu… hạn chế về giá trị đem lại so với cùng một khối lượng gạo xuất khẩu so với các nước khác.

Đặc biệt, xuất khẩu hàng hóa vẫn phụ thuộc chủ yếu DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thể hiện bằng con số xuất khẩu của khu vực FDI vẫn dẫn đầu và đóng góp lớn trong kim ngạch xuất khẩu hàng năm.

Trong đó, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng từ 27% năm 1995 lên 68,2% năm 2015. Trong khi đó, tỷ trọng của khối DN trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lại có xu hướng giảm từ 73% năm 1995 xuống còn 31,8% năm 2015.

Ngay cả thế mạnh là hàng dệt may, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm cuối cùng của hàng dệt may nhưng lại nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu và đầu vào thông qua trung gian. Vì vậy, tuy đạt kim ngạch xuất khẩu cao, ngành dệt may vẫn tồn tại một số hạn chế lớn là tỷ lệ sản xuất nguyên liệu trong nước chưa cao.

Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2015 khoảng trên 27 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của ngành may chiếm 85% cơ cấu doanh thu. Tuy nhiên, 30% DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 70% doanh số, còn 70% DN Việt Nam chỉ chiếm 30% (trên dưới 8 tỷ USD).

Trong đó, 85% DN Việt Nam vẫn thực hiện theo phương thức gia công nên kim ngạch thực chỉ là trên dưới 2 tỷ USD, bởi giá gia công chỉ chiếm khoảng 25% giá thành sản phẩm.

Vì vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, việc đổi từ “lượng sang chất, từ manh mún sang tập trung, từ thô sang tinh…” rất chậm. Nói cách khác là “vẫn có gì xuất nấy” mà chưa có chiến lược xuất khẩu được xây dựng dựa trên lợi thế so sánh với năng suất lao động cao và chiếm vai trò chủ động trong chuỗi giá trị toàn cầu.

TS. Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại cảnh báo, nếu DN Việt không tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị thì ngay cả quy mô xuất khẩu cũng khó tăng lên và lợi ích thu được cũng sẽ dần chuyển hết sang các nhà đầu tư nước ngoài.

Và mối lo hội nhập

Trước bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nếu không thay đổi cách làm này, hàng hóa Việt Nam sẽ không chỉ thất thế trên thị trường thế giới mà còn thua kém tại thị trường trong nước.

TS. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế toàn cầu, nên DN cần sớm bỏ tư duy và cách làm ăn manh mún, chộp giật để xây dựng một định hướng cho hoạt động kinh doanh trên thị trường khu vực và quốc tế, chấp nhận cạnh tranh quốc tế trên mọi phân khúc thị trường.

ASEAN sẽ là một thị trường, một không gian sản xuất chung nên các DN Việt Nam cần phải có hành động để thích ứng với hoàn cảnh này, nếu không các DN có nhiều kinh nghiệm của Thái Lan, Singapore, Philippnies sẽ chiếm lĩnh thị trường bằng cách làm khôn khéo của họ. Gần đây, sự xâm nhập của các nhà buôn Thái Lan vào thị trường Việt Nam bằng những bước đi phù hợp đã là lời cảnh báo của chúng ta, ông Thắng cho biết.

Riêng đối với mặt hàng nông lâm thuỷ sản, PGS.TS. Hà Văn Sự, trường Đại học Thương mại cho hay, các nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản cần chú trọng lựa chọn những sản phẩm nông sản mà Việt Nam có lợi thế so sánh và thế giới có nhu cầu cao để dịch chuyển cơ cấu sản xuất và xuất khẩu.

Đồng thời, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất, chế biến theo hướng thành lập các cơ sở sản xuất, chế biến lớn có thiết bị, công nghệ hiện đại để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giảm dần các cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng thấp, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhà nước cũng cần từng bước điều chỉnh, chuyển định hướng chiến lược từ phát triển sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản theo số lượng và tốc độ cao như hiện nay sang phát triển theo hướng coi trọng hơn chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả, ông Sự cho biết thêm.

Theo các chuyên gia, để giúp cho DN Việt Nam vươn ra thị trường thế giới rất cần Nhà nước cải cách thể chế kinh tế, tạo dựng môi trường kinh doanh. Đó cũng là biện pháp cơ bản để Nhà nước hỗ trợ các DN trong thời đại hội nhập kinh tế toàn cầu.

Bình luận của bạn