Nâng tầm giá trị hồ tiêu Việt qua chế biến sâu
Từ một loại gia vị vốn quen thuộc trong tẩm ướp thực phẩm, nay hồ tiêu đã được chế biến thành những sản phẩm có thể ăn ngay, hay mang theo người như một “tủ thuốc di động”, với những cái tên như tiêu không hạt, tiêu một nắng, tiêu sữa, tiêu sấy lạnh. Sự sáng tạo độc đáo này đã làm tăng giá trị của sản phẩm lên hàng chục lần so với bán thô.
Theo giới kinh doanh, dù Việt Nam là nước sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu nhất nhì thế giới song sản lượng tiêu thụ nội địa chỉ chiếm có 5% và thương hiệu hồ tiêu vẫn chưa gắn với các sản phẩm có chế biến sâu, giá trị gia tăng cao như nhiều quốc gia khác. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm hồ tiêu với ngành công nghiệp gia vị trong nước (do mức tiêu thụ thấp) gần như đang bị các doanh nghiệp trong ngành bỏ qua.
Nhận thấy ngành công nghiệp gia vị Việt Nam còn bỏ trống, các phân khúc được chế biến từ hồ tiêu - nguyên liệu nông sản mà Việt Nam sẵn có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh hồ tiêu đã ra mắt thị trường những sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao.
Nổi bật có thể kể tới dòng sản phẩm tiêu sấy lạnh K PEPPER lần đầu có mặt tại Việt Nam của Phúc Sinh Group. Qua công nghệ sấy lạnh, sản phẩm này được giữ nguyên màu tươi xanh tự nhiên nhưng vẫn đảm bảo độ nồng cay của hạt lõi tiêu già. Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group - chia sẻ, để có sản phẩm này, Phúc Sinh Group đã đầu tư 50 tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học ứng dụng vào sản xuất trên nền tảng công nghệ sấy lạnh tiêu trắng mà tập đoàn đã thành công ở thị trường xuất khẩu. Đặc biệt hơn, giá trị tiêu sấy lạnh K PEPPER còn tăng lên gấp 6 lần, tức là từ mức giá khoảng 2,5 USD/kg đối với tiêu đen thì sản phẩm tiêu mới này có giá tới 14-18 USD/kg.
“Thực ra sản phẩm này chúng tôi đã xuất khẩu khoảng 1 năm nay tới các thị trường như Mỹ, Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan, Pháp… và được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực. Điều đó thôi thúc chúng tôi đem tiêu sấy lạnh K PEPPER về thị trường nội địa để người tiêu dùng Việt được sử dụng sản phẩm chất lượng này”, ông Thông cho biết thêm.
Về chiến lược tiếp cận khách hàng nội địa, ông Thông cho biết sản phẩm này hiện đã có mặt tại hệ thống siêu thị trên cả nước và được bán tại kphucsinh.vn cũng như các showroom của Phúc Sinh với giá bán lẻ 66.000 đồng/lọ.
Cũng là một hướng sáng tạo mới cho hồ tiêu để nâng cao giá trị, cách làm của Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây khá độc đáo khi chế biến thành sản phẩm ăn liền, ăn ngay. Ông Lâm Ngọc Nhâm - Chủ tịch HĐQT hợp tác xã này cho biết đã chế biến ra được các dòng sản phẩm tiêu ăn liền và ăn ngay, không cần phải nấu và chính vì vậy mang về giá trị, chất dinh dưỡng tốt nhất. Ông Nhâm cũng khẳng định, sản phẩm khi qua chế biến sâu có giá trị tăng lên tới gấp 250 lần so với các sản phẩm không chế biến.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2019, Việt Nam dù đã xuất khẩu tiêu đạt 250.404 tấn tiêu các loại, tăng 21,93% về lượng nhưng giá trị kim ngạch chỉ vào khoảng 634,45 triệu USD, giảm 6,69% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân chủ yếu vấn do Việt Nam đa phần xuất khẩu thô, giá trị gia tăng thấp và phải cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác. Trong khi đó, ngay tại nội địa, nhu cầu tiêu thụ của 95 triệu dân là rất lớn nên việc đầu tư thâm nhập nội địa được giới chuyên gia đánh giá là hướng đi tích cực để ngành này phát triển bền vững hơn trong thời gian tới. Đặc biệt hơn, qua việc đầu tư chế biến sâu cho sản phẩm hồ tiêu của các doanh nghiệp đã thay đổi, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, mở ra cơ hội tạo dựng thương hiệu cho những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam.