Nga – thị trường tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam
9 tháng đầu năm 2016 kim ngạch 2 chiều Việt Nam - Nga đã đạt gần 2 tỷ USD; trong đó xuất sang Nga 1,17 tỷ USD (tăng 9,25% so với cùng kỳ) và nhập từ Nga đạt 825,8 triệu USD (tăng 52%)
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu (FTA Việt Nam-EAEU) có hiệu lực từ 5/10/2016 và Nga là thị trường lớn nhất trong khối này. Hiện, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 23 của Việt Nam.
Thị trường Nga được đánh giá là “rất hấp dẫn” với dân số 143,5 triệu người, thu nhập bình quân đầu người khoảng 14.611 USD/năm, trong đó tầng lớp trung lưu ngày một phát triển (chiếm từ 10-25%). Nga được đánh giá là thị trường tiêu dùng và bán lẻ rộng lớn, đa dạng về hàng hóa nhập khẩu, đồng thời là thị trường đầy tiềm năng cho xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam như thủy hải sản, cà phê, chè, rau, củ, quả tươi, sản phẩm đông lạnh, may mặc, nhựa, cao su, chất dẻo...
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nga các mặt hàng công nghiệp nhẹ và tiêu dùng, chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu như điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng thủy sản, dệt may; giày dép các loại; hàng rau quả, cà phê, hạt điều và hạt tiêu… Ở chiều ngược lại, chiếm tỷ trọng trên 85% kim ngạch nhập khẩu từ Nga, chủ yếu là những mặt hàng xăng dầu, phân bón, sắt thép và sản phẩm, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, hàng thủy sản, than đá, cao su, các sản phẩm từ dầu mỏ, phôi thép, sắt thép thành phẩm và phân bón…
Ngay sau khi FTA Việt Nam-EAEU được thực thi, 90% dòng thuế của hai bên sẽ được tự do hóa, tương đương 90% kim ngạch thương mại song phương. Điều đáng lưu ý là những hàng hóa lợi thế của Việt Nam khi xuất khẩu vào Nga đều đạt được những điều kiện thuận lợi như thủy sản Việt Nam đã đạt được gần như 100% khối lượng các mặt hàng xuất đi được hưởng thuế suất bằng 0.
Những năm gần đây, hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Nga có những bước tiến khá bền vững. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Nga năm 2015 đạt 2,18 tỷ USD; 9 tháng đầu năm 2016 kim ngạch 2 chiều đã đạt gần 2 tỷ USD; trong đó xuất sang Nga 1,17 tỷ USD (tăng 9,25% so với cùng kỳ) và nhập từ Nga đạt 825,8 triệu USD (tăng 52%).
Hàng hóa xuất khẩu sang Nga nhiều nhất trong 9 tháng đàu năm là điện thoại và linh kiện; máy vi tính, điện tử; hàng thủy sản, cà phê, dệt may; giày dép. Trong đó, điện thoại và linh kiện chiếm kim ngạch lớn nhất tới 45% tổng kim ngạch, đạt 527,7 triệu USD; tiếp đến cà phê chiếm 7,7%, đạt 90 triệu USD; hàng dệt may chiếm 6,2%, đạt 72,7 triệu USD; máy vi tính, điện tử chiếm 6%, đạt 70,4 triêu USD; thủy sản chiếm 5,2%, đạt 60,8 triệu USD; giày dép chiếm 5,9%, đạt 69 triệu USD.
Đáng chú ý là nhóm hàng xăng dầu xuất khẩu sang Nga tăng đột biến tới 3664% kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù kim ngạch chỉ đạt 9,5 triệu USD. Bên cạnh đó là một số nhóm hàng cũng đạt mức tăng trưởng cao như: Giày dép (tăng 41%, đạt 69 triệu USD); hạt điều (tăng 66%, đạt 25,5 triệu USD); cao su (tăng 111%, đạt 9 triệu USD); sản phẩm từ cao su (tăng 160%, đạt 2 triệu USD). Tuy nhiên, các nhóm mặt hàng giảm mạnh gồm có: Quặng và khoáng sản (giảm 94%, đạt 0,06 triệu USD); gạo (giảm 68,.5%, đạt 5,8 triệu USD); sản phẩm mây, tre, cói và thảm (giảm 42%, đạt 0,5 triệu USD).
Các chuyên gia cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nga, cần tìm hiểu các quy tắc, luật lệ của các nước đối tác, bởi mỗi nước có những đặc điểm riêng, có hàng rào kỹ thuật riêng. Những rủi ro trong thanh toán từ các nước SNG nói chung đã giảm đi, nhưng vì nhiều lý do mà việc thanh toán bằng ngoại tệ như EUR, USD vẫn còn khó khăn…Điều quan trọng nhất là DN Việt Nam cần có chiến lược, có cam kết mạnh mẽ về chất lượng hàng Việt nhưng giá cả phải cạnh tranh.
Các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ phong tục tập quán tiêu dùng, để đưa tới hàng hóa phù hợp; đặc biệt phải tìm hiểu rõ Luật Ngoại kiều của Nga nhằm tránh vi phạm luật. Cách tốt nhất là tìm kiếm và gắn kết với hệ thống các nhà phân phối và DN theo dạng B2B (DN tới DN) để tìm chỗ đứng vững chắc cho hàng hóa. Mức tiêu thụ cũng như thu nhập của người dân Nga bây giờ đã cao hơn, do vậy nhu cầu đòi hỏi chất lượng hàng hóa cũng cao hơn, nếu chỉ lo cạnh tranh về giá sẽ không ổn.