Ngành bán lẻ Việt Nam còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp
Thị phần chuỗi bán lẻ hiện đại của Việt Nam chỉ mới đạt mức 25%, là một trong những yếu tố hấp dẫn khiến các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ đổ vốn mạnh vào ngành bán lẻ Việt Nam.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Ngành bán lẻ Việt Nambước chân vào Thế giới phẳng - Cơ hội hay thách thức” được tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh ngày 28/3.
Theo các chuyên gia, hiện nay Việt Nam không chỉ là thị trường của của 90 triệu dân, mà chính thức bước vào sân chơi mới với thị trường chung hơn 600 triệu dân, do hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang bước vào giai đoạn có hiệu lực và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức hình thành.
Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ mang đến cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam đồng thời cũng gặp phải không ít thách thức trước sự hội nhập của các doanh nghiệp ngoại tham gia vào thị trường Việt Nam.
Ông Đặng Hải Đăng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBankSc) nhận định: Bên cạnh các FTA thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động thương mại và đầu tư, Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ mở cửa thị trường như nới lỏng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với các doanh nghiệp chưa niêm yết.
Mặt khác, Việt Nam cũng điều chỉnh và thực hiện quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Điều này đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực hơn để giữ thị phần nội địa và vượt qua rào cản để tham gia một sân chơi mới “đẳng cấp hơn”.
Đánh giá về xu hướng nhượng quyền thương mại trong ngành bán lẻ tại Việt Nam, ông Huỳnh Phước Cường, Giám đốc Khối Bán lẻ, Công ty TNHH Nghiên cứu Thị trường Công nghệ và Bán lẻ GfK Việt Nam cho rằng, xu hướng nhượng quyền thương mại trong ngành bán lẻ diễn ra sôi động tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Điển hình, trong ngành bán lẻ Việt Nam đã có 3 doanh nghiệp Nhật Bản, 3 doanh nghiệp Thái Lan, 1 doanh nghiệp Hàn Quốc và 1 doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) thực hiện thâu tóm thành công những hệ thống bán lẻ như siêu thị Nguyễn Kim, Citimart, Fivimart, Trần Anh, Dimond Plaza, Indochina Plaza Hà Nội, Pico và Metro.
Ông Huỳnh Phước Cường nhấn mạnh, nhượng quyền thương mại là con đường tắt để doanh nghiệp có tiềm lực tham gia những lĩnh vực tiềm năng trên thị trường.
Vì vậy, những năm tới tại Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh xu hướng nhượng quyền thương mại ở nhiều lĩnh vực; trong đó ngành bán lẻ là một trong những ngành hấp dẫn.
Cụ thể, tốc độ mua bán và sáp nhập theo hướng doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm những doanh nghiệp Việt Nam có thị phần tiêu thụ lớn trên Việt Nam sẽ gia tăng từ nay đến 2020.
Đối với ngành bán lẻ trong vài năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến sự đổ bộ của nhiều tập đoàn lớn ngành bán lẻ nước ngoài gồm: Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), BJC, Power Buy (Thái Lan)…
Điều này cho thấy, thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế đối với doanh nghiệp Việt Nam là cạnh tranh gay gắt và nguy cơ bị thâu tóm từ các nhà đầu tư ngoại.
Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế mang đến cho doanh nghiệp trong nước cơ hội học hỏi kinh nghiệm về quản lý, sử dụng vốn và lao động; đặc biệt là vấn đề hợp tác phát triển và tận dụng lợi thế nâng cao năng lực cạnh tranh./