Ngành cơ khí: Việt Nam Sẵn sàng bước vào kỷ nguyên công nghiệp 4.0?
Dù còn một số tồn tại, nhưng ngành cơ khí đang dần thay da đổi thịt khi doanh thu ngày càng được nâng lên, có thương hiệu trên thị trường trong nước lẫn quốc tế. Nếu biết tận dụng tốt kỷ nguyên công nghiệp 4.0, ngành cơ khí nội địa sẽ sớm nâng cao vị thế cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Tăng trưởng chưa tương xứng
Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), trong khoảng 10 năm trở lại đây, doanh thu về sản phẩm cơ khí tăng đều trên 20%. Nhiều sản phẩm cơ khí như thiết bị đồng bộ, đóng tàu, lắp ráp ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị điện, phụ tùng cơ khí đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Những sản phẩm cơ khí công nghệ cao cũng đã xuất hiện như: Thiết kế chế tạo thủy công, thiết kế chế tạo thiết bị nhà máy xi măng, chế tạo giàn khoan dầu khí tự nâng 90m và bước đầu thiết kế chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện chạy than. Đáng chú ý, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp như Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Trường Hải… có kế hoạch đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa và tiến tới xuất khẩu. “Tuy nhiên, các sản phẩm Việt Nam tham gia có giá trị gia tăng còn thấp, chưa tạo được nhiều đầu ra cho sản phẩm và còn tồn tại các xí nghiệp cơ khí yếu kém”, ông Thụ nhận định.
Có chung đánh giá trên, ông Isara Burintramart, Giám đốc điều hành Công ty ReedTradex, cho rằng hiện trình độ sản xuất tại Việt Nam đang ở giai đoạn công nghiệp 2.0 và 3.0. Sản xuất chính vẫn ở trình độ thấp do thiếu công nghệ mới, thông tin, cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, hiện thế giới đang hướng tới kỷ nguyên công nghiệp 4.0. “Công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sau 3 đợt sóng đầu tiên, bắt đầu từ cơ giới hóa với sức mạnh hơi nước, sản xuất hàng loạt với động cơ điện, tự động hóa bằng máy tính. Ngoài ra, công nghiệp 4.0 còn được gọi là nhà máy thông minh, là sự kết hợp hiệu quả của các công nghệ mới xuất phát từ mạng lưới thiết bị kết nối Internet (IoT) đến đám mây, phân tích, robot, công nghệ in 3D và trí tuệ nhân tạo”, ông Burintramart phân tích. “Trên thực tế, nền sản xuất của Việt Nam đã chuyển từ các danh mục sản xuất truyền thống sang các sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn. Trong suốt 10 năm qua, chúng tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng và thay đổi đáng kể của nền công nghiệp Việt Nam, hiện nay vẫn đang có dấu hiệu phát triển, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số, khi mà cả thế giới đang tiến đến kỷ nguyên công nghiệp 4.0”, ông Burintramant khẳng định. Cũng theo ông Burintramant, trong năm 2016, có thêm 3 triệu người Việt Nam sử dụng Internet, chiếm 53% dân số. Số lượng người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội tăng 31% và số người sử dụng mạng di động tăng 41%. “Nguồn nhân lực của Việt Nam đã sẵn sàng để học hỏi và bước vào kỷ nguyên công nghiệp 4.0. Cách tốt nhất để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là việc phải bắt đầu, mặc dù chỉ là những bước nhỏ với việc lập ra chiến lược, dự án thí điểm. Đồng thời, khắc phục được một số tồn tại lâu nay kiềm hãm sự phát triển của ngành sản xuất công nghiệp nói chung và ngành cơ khí nói riêng”, ông Burintramant nói thêm.
Tránh đầu tư chồng chéo
Theo Chủ tịch VAMI Nguyễn Văn Thụ, để tăng năng lực cho ngành cơ khí Việt Nam cần đẩy mạnh sự hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp cơ khí trong nước, tránh đầu tư trùng lắp để chống lãng phí. Đặc biệt, tăng cường đầu tư và ứng dụng những thiết bị khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Ông Thụ cho biết, trong năm 2017 và những năm tới, để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành cơ khí, hiệp hội sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hỗ trợ về thông tin tuyên truyền, giới thiệu về sản phẩm và năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên. Việc đẩy mạnh tuyên truyền về sản phẩm và năng lực của doanh nghiệp, đặc biệt là tại các hội chợ, triển lãm sẽ giúp các doanh nghiệp có thể nắm bắt thông tin, tiếp xúc với những doanh nghiệp mạnh để tìm hiểu máy móc, từ đó hợp tác sâu hơn trong ngành cơ khí và rộng hơn với quốc tế. “Các phần việc mà VAMI sẽ triển khai trong thời gian tới có thể kể đến như hỗ trợ bảng hiệu đại lý tại nước ngoài; quảng cáo trên các phương tiện thông tin, trục đường sân bay nước ngoài, đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các thị trường lớn và tích cực tham gia triển lãm, giới thiệu sản phẩm tại thị trường tiềm năng như Indonesia, Nhật Bản”, ông Thụ cho hay.
Ông Nguyễn Văn Thụ cũng cho rằng, tính khả thi của công nghiệp 4.0 nên bắt đầu bằng những bước nhỏ, đơn giản và được thực hiện ngay, thiết yếu nhất là đầu tư vào nguồn nhân lực, sau đó các nhà sản xuất nên mạnh dạn đổi mới công nghệ và tránh đầu tư chồng chéo. Đơn cử, từ kế hoạch kinh doanh phức hợp của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) trong việc xây dựng Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải, sẽ được đưa vào hoạt động năm 2018. Trong đó, nhà máy được đầu tư công nghệ hàn laser và công nghệ sơn tân tiến nhất, công suất mỗi năm 100.000 xe hơi, 100.000 xe tải, 5.000 xe buýt. Kế hoạch này đi kèm giải pháp kết nối các doanh nghiệp sản xuất linh kiện trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển Chu Lai trở thành trung tâm cơ khí đa dạng ở miền Trung.
Cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được tiêu chuẩn quốc tế trong công nghiệp, ông Lê Khánh Tường, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt - Đức (HwC), cho rằng một hệ thống quản lý chất lượng với lao động có trình độ cao sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và an toàn sản phẩm, có thể đáp ứng với quy định của các nước đưa ra đơn hàng, đồng thời nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, vượt qua các rào cản kỹ thuật thương mại (TBT) và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.