Ngành Da giày: Tự tin phát triển

Sau gần 30 năm phát triển, ngành Da giày Việt Nam đã từng bước “thay da đổi thịt”, từ chỗ chỉ sản xuất nhỏ lẻ, thị trường nội địa bị bỏ ngỏ, vươn lên đứng trong top đầu các nước xuất khẩu giày dép trên thế giới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Xuất khẩu tăng nhanh

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), trong giai đoạn 2010 - 2015, kim ngạch xuất khẩu của ngành luôn đạt trên 7 tỷ USD/năm, tăng 14%/năm. Các thị trường truyền thống của ngành như Mỹ, EU, Nhật Bản… đều có tốc độ tăng trưởng tốt. 4 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu của ngành đạt 3,68 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã có đơn hàng xuất khẩu ổn định đến tháng 5 - 6, đây cũng là một trong những yếu tố giúp ngành tự tin hoàn thành kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu 15 - 20% của cả năm.

Những kết quả này đạt được dựa trên sự nỗ lực cải tiến năng suất lao động, đầu tư cho thiết kế mẫu mã nhằm tăng giá trị cho sản phẩm xuất khẩu của cộng đồng DN trong ngành. Nói về điều này, ông Nguyễn Hữu Anh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Phong Châu - cho hay: Yêu cầu ngày một cao của các nhà nhập khẩu đã buộc DN phải chuyển hướng sản xuất. “Thay vì thuần gia công, DN tập trung đầu tư cho đội ngũ thiết kế tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, tính thẩm mỹ và đặc biệt tạo ra sự khác biệt”, ông Hữu Anh nhấn mạnh.

Trước sức hấp dẫn của các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, ngành Da giày thu hút một lượng vốn lớn từ nhà đầu tư Đài Loan, Nhật Bản, bao gồm cả đầu tư cho sản xuất thành phẩm và nguyên phụ liệu. Gần đây nhất, vào cuối tháng 3/2016, Tae Kwang Industrial Co.Ltd (Hàn Quốc) đã chính thức công bố dự án đầu tư vào lĩnh vực da giày tại thành phố Cần Thơ với tổng vốn đầu tư 171,4 triệu USD. “Thu hút đầu tư nước ngoài nhộn nhịp cho thấy ngành Da giày đang rất hấp dẫn, còn nhiều khả năng mở rộng thị phần và quy mô xuất khẩu”, bà Xuân nhận định.

Thị trường trong nước được củng cố

Những năm gần đây, cùng với sự thành công của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, sản phẩm giày, dép “made in Việt Nam” ngày càng được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. DN sản xuất giày dép trong nước đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng với khoảng 150 triệu đôi/năm. Một số DN đã ghi dấu ấn trên thị trường nội địa, như: Công ty Tuấn Việt, Giày An Lạc, Giày Thượng Đình…

Để có thành quả này, DN đã nỗ lực liên kết với nhau giữ chắc sân nhà, chuyển dịch sản xuất về vùng nông thôn nhằm tận dụng nguồn lao động, giảm chí phí và chủ động đầu tư cho sản xuất nguyên phụ liệu, tránh phụ thuộc vào nhập khẩu.

Ông Nguyễn Chí Trung - Tổng giám đốc Công ty Giày Gia Định - cho biết: Công ty đã đầu tư một cụm công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu tại tỉnh Bình Dương hiện đã đi vào khai thác. Nhờ đó, tỉ lệ nội địa hóa của Gia Định đã đạt trên 60%, không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất mà còn cung cấp một phần nguyên phụ liệu cho DN khác. Tương tự, Công ty TNHH Phong Châu cũng đã liên kết với các DN trong nước nội địa hóa khoảng 70% nguyên phụ liệu sản xuất. Ngoài ra, để nâng cao giá trị gia tăng, tạo sự khác biệt trên thị trường, Phong Châu đã đầu tư mạnh cho khâu thiết kế mẫu mã, mở rộng hệ thống phân phối trong nước.

Nói về tương lai phát triển của ngành, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, ngành công nghiệp Da giày Việt Nam có gần 30 năm phát triển, đã xây dựng được cơ sở hạ tầng tương đối tốt, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Với nền tảng đó, DN trong ngành cần đầu tư mạnh hơn nữa cho công nghệ nhằm tăng năng suất lao động, áp dụng mô hình quản lý hiện đại, tiết giảm chi phí, giúp hạ giá thành sản phẩm và nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh trên thị trường.

Bình luận của bạn