Ngành Nông nghiệp Việt Nam: Sẵn sàng bước vào 'đấu trường' TPP
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, cơ hội song hành cùng thách thức từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang tạo ra một “đấu trường” mới, buộc ngành Nông nghiệp Việt Nam phải nâng cao sức mạnh nội lực, tăng khả năng cạnh tranh.
Cơ hội “vàng”
Trải qua 30 năm đổi mới, từ một nền kinh tế phải tái thiết sau chiến tranh với bộn bề những khó khăn, Việt Nam đã lột xác vươn mình ra thế giới. Trong đó phải kể đến ngành Nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc khi tăng trưởng GDP của khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đạt bình quân 3,7%/năm, là mức cao trên thế giới và toàn khu vực.
Không chỉ dừng ở đó, ngành Nông nghiệp còn được kỳ vọng sẽ phát triển vượt bậc hơn nữa trong tương lai khi bước vào sân chơi hội nhập sâu rộng mà trước mắt là hội nhập TPP. Bởi vì, Hiệp định TPP cho phép nông nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường 15.300 tỷ USD của Mỹ và 300 tỷ USD của Canada, Peru và Mexico, dự báo sẽ giúp tăng thêm 35,7 tỷ USD, tương đương 10,5% GDP cho riêng Việt Nam đến năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn cho biết: “Ngay sau khi TPP có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản của 12 nước đã giảm thuế xuống hơn 90%, có mặt hàng chỉ còn 0%. Mặt khác, rõ ràng khi vào TPP, thông thương thuận lợi sẽ thu hút được vốn đầu tư của các quốc gia vào Việt Nam. Thuế bằng 0% thì nhiều cơ hội mở ra, trong khi nông nghiệp đang rất thiếu vốn đầu tư nên sẽ là cơ hội để thu hút được vốn đầu tư trong thời gian tới. Hiện nay, vốn FDI vào nông nghiệp khá ít, giá trị vốn cam kết chỉ chiếm 1,4% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Đây là cơ hội để đẩy nhanh thu hút đầu tư, thu hút khoa học công nghệ, cách quản lý mới với nông nghiệp, thúc đẩy tái cấu trúc nền nông nghiệp trong chương trình tái cơ cấu nền kinh tế...”, ông Tuấn khẳng định.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng dẫn chứng, khi gia nhập TPP, Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các quốc gia xuất khẩu những mặt hàng nông sản cùng loại nhưng không phải là thành viên TPP, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực như thủy sản, đồ gỗ, cao su, hạt điều, tiêu… Cùng với đó, Việt Nam còn có thể mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Singapore… Những thị trường này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống nhưng lại thiếu bền vững.
Không ít áp lực cạnh tranh gay gắt
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, bên cạnh những cơ hội “vàng”, TPP cũng tạo ra những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam, trong đó là áp lực cạnh tranh gay gắt.
Trước tiên, ngoài các mặt hàng nông sản chủ lực có lợi thế như thủy sản, cà phê, tiêu, gạo… ngành Chăn nuôi Việt Nam nằm trong nhóm ít có thuận lợi nhất trong 12 nước tham gia TPP. Do đó, khi TPP mở cửa thì những sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt. Nếu như sản xuất ngành chăn nuôi duy trì quy mô nhỏ như hiện nay thì chắc chắn sẽ thua. Không những vậy, việc giảm thuế đối với các nước thành viên TPP sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam do giá thành rẻ hơn, chất lượng và mẫu mã đa dạng, phong phú hơn. Sản phẩm nông nghiệp và các doanh nghiệp, nông dân Việt Nam đứng trước sự cạnh tranh gay gắt trong khi đó, các hàng nông sản và nông dân là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong hội nhập…
Hơn nữa, khi các nước thực hiện cam kết TPP, đồng nghĩa với việc hàng rào thuế quan sẽ bị xóa bỏ. Lúc này, hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phổ biến hơn, yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng khắt khe hơn. Đây cũng là một trong những điểm yếu đối với sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Thực tế cho thấy, trong giai đoạn vừa qua, hàng hóa nông sản của Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường thế giới do vướng phải hàng rào kỹ thuật thương mại và biện pháp vệ sinh dịch tễ. Để bảo hộ hàng hóa trong nước, Việt Nam tất yếu cũng sẽ áp dụng các hàng rào phi thuế quan. Rào cản kỹ thuật chưa có hoặc rào cản kỹ thuật kém cũng sẽ khiến cho thị trường nội địa gặp bất lợi. Theo đó, nếu các biện pháp vệ sinh dịch tễ không hiệu quả, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng trong khi lại không bảo vệ được sản xuất trong nước…
Đặc biệt, áp lực về thách thức càng lớn khi nhìn lại nước ta chỉ có nền sản xuất nhỏ, chủ yếu quy mô hộ gia đình, “Chúng ta có khoảng 3.500 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm 1,01% tổng số doanh nghiệp và hầu hết là doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 65% nên rất khó trong cạnh tranh. Do sản xuất quy mô hộ là chính, công nghệ còn kém cho nên sẽ có mặt hàng rất khó khăn khi mở cửa. Đã là “sân chơi” chung, luật chung thì ai mạnh người ấy thắng, nên nông sản cũng sẽ rất khó khăn về tiêu thụ nếu vẫn duy trì quản lý hiện nay.”, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.
Tái cơ cấu sản xuất - Sẵn sàng cho sân chơi bình đẳng
Để có thể vững vàng bước vào “đấu trường” TPP nói riêng và sân chơi hội nhập quốc tế nói chung, không còn cách nào khác là ngành Nông nghiệp cần nâng cao sức mạnh nội lực, tăng khả năng cạnh tranh.
Theo đó, “Ngay từ bây giờ, không còn cách nào khác là ngành Nông nghiệp phải tái cơ cấu sản xuất. Trong đó, các sản phẩm nông nghiệp phải sản xuất theo chuỗi, tạo được sự cạnh tranh về giá cả, chất lượng, kiểm soát tốt vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, cả doanh nghiệp và nông dân phải liên kết hơn nữa”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích nhấn mạnh.
Theo ông Bích, điều quan trọng nữa Nhà nước phải khuyến khích, thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp theo cả chuỗi. Đặc biệt là ngành chức năng phải giải quyết tồn tại lớn nhất của ngành Nông nghiệp Việt Nam là an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nagai Katsuro, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng cho rằng, bên cạnh việc đảm bảo tốt hơn vệ sinh an toàn thực phẩm, ngành Nông nghiệp Việt Nam cần thực sự thay đổi một số khâu cơ bản như sản xuất, chế biến, phân phối… Muốn xuất khẩu thắng lợi, nông dân Việt Nam cần nâng tầm năng suất và chất lượng nông sản, phải sản xuất sao cho đạt bốn yêu cầu như: Chất lượng sản phẩm phải đạt chuẩn chất lượng an toàn quốc tế, giá thành cạnh tranh với đối thủ, khối lượng lớn, và giao hàng đúng lúc theo hợp đồng.
Mặt khác, cần chú trọng đến vấn đề truy xuất nguồn gốc. Nếu không chú ý đến vấn đề này thì nông sản Việt Nam thậm chí còn không tiêu thụ được ngay tại thị trường nội địa khi Việt Nam đã cam kết bãi bỏ thuế suất đối với nông sản nhập từ các nước thành viên TPP hay từ các nước ASEAN”.