Nghệ An: Lượng hàng Việt bán tại các siêu thị chiếm 90%

Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đánh giá, số lượng hàng hoá có nguồn gốc xuất xứ trong nước đã chiếm tới 90% tổng số hàng hoá bán ra tại các siêu thị trên địa bàn Nghệ An. 

Thực hiện cuộc vận động, nhận thức của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, người tiêu dùng trong tỉnh ngày càng đánh giá cao và từng bước có thói quen ưa thích sử dụng hàng hoá Việt Nam. Số lượng hàng hoá Việt Nam được tiêu thụ tăng lên rõ rệt, nhóm hàng hoá có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam đã chiếm tới 90% tổng số hàng hoá bán ra tại các siêu thị, chiếm 70% tại các chợ và thị trường nông thôn.

Hiện toàn tỉnh Nghệ An có 11.868 doanh nghiệp và 143.479 hộ kinh doanh, tạo ra mạng lưới thương mại phát triển rộng khắp với khối lượng hàng hóa lưu thông đa dạng phong phú và ngày càng phát triển.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Nghệ An, 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hơn 19 chương trình khuyến mại; thực hiện 14 hội chợ triển lãm. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá Việt đến tay người tiêu dùng, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được tăng cường. 6 tháng đầu năm đã kiểm tra 4.289 vụ, xử lý 3.681 vụ, tổng giá trị thu phạt trên 6,7 tỷ đồng.

Các tổ chức như hội phụ nữ, liên đoàn lao động, đảng uỷ khối doanh nghiệp, hội cựu chiến binh, hội nông dân tỉnh… cũng vào cuộc và có nhiều kết quả tích cực đối với cuộc vận động. Riêng hội phụ nữ tỉnh trong 6 tháng đầu năm đã xây dựng được 4 mô hình phụ nữ nói không với thực phẩm bẩn; 15 tổ hợp tác, 14 tổ liên kết với nhiều ngành nghề đa dạng… qua đó góp phần quảng bá chất lượng, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt trên thị trường.

Theo Ban chỉ đạo “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người tiêu dùng trong tỉnh vẫn còn tư tưởng sính hàng ngoại, việc liên kết giữa sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nội địa còn nhiều bất cập. Trên địa bàn chưa có nhiều sản phẩm có thương hiệu, công tác quản lý thị trường còn chưa tốt, hàng giả hàng kém chất lượng, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hình ảnh hàng Việt.

Thời gian tới, Ban chỉ đạo tiếp tục tập trung các hoạt động tuyên truyền, thông tin các nội dung cuộc vận động đến các tầng lớp nhân dân, tuyên truyền đến người tiêu dùng biết đánh giá đúng chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước. Các cơ quan chuyên môn rà soát, bổ sung các quy định, cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất; các công trình, dự án sử dụng nguồn ngân sách tỉnh, kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu trong cơ quan, ưu tiên dùng hàng hoá trong tỉnh, trong nước cho việc mua sắm công; xây dựng kế hoạch tổ chức tốt chương trình đưa hàng Việt về nông thôn…

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cuộc vận động cũng sẽ tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành, mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên, lồng ghép đưa nội dung cuộc vận động thành hoạt động thường xuyên của mặt trận và tổ chức thành viên, gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Công đoàn đồng hành cùng người lao động”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế bền vững”… vận động nhân dân mua sắm hàng hoá sản xuất trong nước có chất lượng, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng về công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, buôn lậu và gian lận thương mại.

Bình luận của bạn