Người tiêu dùng Việt xếp thứ 5 về mức độ lạc quan
Theo báo cáo Chỉ số niềm tin tiêu dùng mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, trong quý IV/2016 niềm tin người tiêu dùng (NTD) Việt Nam đạt cao nhất trong năm với 112 điểm. Nhờ đó, Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 5 toàn cầu về mức độ lạc quan.
Báo cáo này cho thấy chỉ số niềm tin trong khu vực Đông Nam Á tăng trưởng ở mức vừa phải trong năm 2016, tăng 5 điểm giữa quý I và quý IV, đạt được 115 điểm. Bốn trong sáu nước Đông Nam Á kết thúc năm 2016 lạc quan hơn so với thời điểm đầu năm, và điều này đã giúp các quốc gia này tiếp tục nằm trong danh sách 10 nước lạc quan nhất thế giới.
Sự tăng trưởng lớn nhất là ở Philippines, nơi mà chỉ số tự tin tăng 13 điểm từ quý I đến quý IV. Nước tiếp theo là Thái Lan, chỉ số tự tin tăng 5 điểm đạt được 110. Cả Indonesia và Việt Nam tăng 3 điểm so với quý đầu tiên. Chỉ số này đã giảm nhẹ trong năm tại Singapore (-2 điểm).
Ngoài ra, NTD khu vực Đông Nam Á tiếp tục là một trong số những người tiết kiệm nhất thế giới, với hơn hai phần ba (68%) để dành tiền vào tiết kiệm. Và khi nói về tiết kiệm, người tiêu dùng ở Việt Nam giữ chỉ số cao nhất trên toàn cầu (76%), tiếp theo là Indonesia (71%), Philippines (64%), Singapore (65%), Thái Lan (63%) và Malaysia (59%).
Cũng trong quý này mối quan tâm của người tiêu dùng Việt vẫn giữ nguyên như các quý trước. Tính ổn định về công việc tiếp tục dẫn đầu danh sách các mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam với 45%. Mối quan tâm quan trọng tiếp theo là sức khỏe (42%). Hai mối quan tâm khác là cân bằng công việc - cuộc sống (26%) và nền kinh tế (20%). Kết quả này cho thấy NTD Việt đang hướng đến một cuộc sống lành mạnh, do đó nhu cầu về an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm cũng đã được hình thành.
Cùng với xu hướng tiết kiệm, người tiêu dùng tại Việt Nam tiếp tục sẵn lòng chi tiêu vào các khoản mục lớn. Khảo sát của Nielsen cũng cho thấy rằng, sau khi chi trả cho các phí sinh hoạt thiết yếu, NTD Việt sẵn sàng để chi cho du lịch (35%), mua sắm quần áo mới (33%), các sản phẩm công nghệ mới (30%), sửa chữa nhà cửa (27%) và các dịch vụ giải trí bên ngoài (26%). Xu hướng này đưa ra cho cả nhà sản xuất và nhà bán lẻ các cơ hội để đổi mới và cung cấp các sản phẩm tốt nhất để đáp ứng nhu cầu này của NTD.