Người Việt chỉ ưu tiên dùng hàng Việt khi chất lượng tốt, giá rẻ
7 năm qua, với việc triển khai rộng khắp cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhận thức của người dân trong việc lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt đã được nâng lên một bước. Bản thân doanh nghiệp cũng nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý.
Người Việt sẽ không quay lưng với hàng trong nước nếu chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh (Ảnh minh họa: KT) |
40 tỉnh, thành phố đã xây dựng được các điểm bán hàng Việt là con số khá ấn tượng. Đối với mặt hàng thuốc chữa bệnh, từ năm 2012, với việc triển khai cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều chính sách, cơ chế nhằm ưu đãi đầu tư và ưu tiên lựa chọn trong đấu thầu tại các cơ sở y tế đối với những trang thiết bị y tế trong nước đã sản xuất được có chất lượng… Từ đó, khái niệm "sử dụng thuốc sản xuất trong nước" đã hình thành trong tiềm thức của người dân nói chung và cán bộ y tế nói riêng khi sử dụng thuốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: Qua thời gian thực hiện, tỷ trọng thuốc do Việt Nam sản xuất dùng trong các bệnh viện trung ương, tỉnh, huyện tăng rõ rệt. Các bệnh viện tuyến trung ương tăng 2%, ở tuyến tỉnh tăng 12%, đặc biệt tuyến huyện tăng 20%:
7 năm qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã nhận được sự tham gia tích cực của nhiều Bộ, ngành địa phương. Cuộc vận động đã tạo động lực mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp và người lao động trong việc thay đổi thói quen mua sắm theo hướng ngày càng quan tâm lựa chọn hàng hoá, dịch vụ sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất đã vượt qua nhiều khó khăn để duy trì và phát triển sản xuất. Một số doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về hàng hoá, tư liệu cho sản xuất...
Tuy nhiên, để hàng Việt phát triển sản xuất hướng đến thị trường trong nước, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng: Nhà nước cần nỗ lực mạnh hơn nhằm chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu; có chính sách quản lý hộ kinh doanh, chính sách thuế giá trị gia tăng; chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp có thị phần tốt ở thị trường nội địa; đồng thời có chính sách về mặt bằng kinh doanh ưu đãi cho doanh nghiệp bán hàng Việt Nam.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho rằng: vận động người Việt dùng hàng Việt nhưng phải bảo đảm hàng tốt, giá tốt. Yêu cầu đặt ra là sản phẩm đưa ra phải tốt, tiếp thị hàng hóa phải sâu sát, giới thiệu hàng hóa cho người tiêu dùng để người tiêu dùng biết rõ tác dụng.
Để đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng Việt trong nước, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cần phải làm từng bước để vận động, phải xây dựng hệ thống chính sách, kế hoạch triển khai và truyền thông. Trong đó, truyền thông rất quan trọng, nếu không có truyền thông, người dân không biết hàng Việt tốt để mua hoặc không biết được đâu là sự lựa chọn tốt nhất.
Để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phát huy hơn nữa hiệu quả và lan toả sâu rộng đến mọi người dân thì doanh nghiệp cần tập trung sản xuất hàng hoá với mẫu mã phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, giá cả cạnh tranh. Đồng thời xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp để đưa hàng về nông thôn một cách thường xuyên, liên tục.
Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước cần xây dựng chế độ chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn như: Ưu đãi về vốn, phối kết hợp với các doanh nghiệp để tổ chức kênh phân phối một cách có hiệu quả. Thành công lớn nhất của Cuộc vận động chính là làm cho mỗi người dân, doanh nghiệp hiểu rằng, việc sản xuất hàng Việt có chất lượng và sử dụng hàng Việt là thể hiện lòng tự tôn dân tộc và tinh thần yêu nước./.