Người Việt dùng hàng Việt không chỉ vì 'khích lệ'

Giờ đây, ngoài tâm lý chọn hàng Việt vì muốn khích lệ, nhiều khách Việt đã tin dùng, ủng hộ khi được hàng Việt chinh phục bởi chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng...

ghế Sofa Mây

Hàng Việt hiểu người Việt hơn

Dù phải cạnh tranh với các thương hiệu danh tiếng đến từ Singapore, Canada, Anh... nhưng nhiều thương hiệu da giày Việt vẫn tích cực chuyển mình, có chỗ đứng vững chắc trong lòng người Việt.

Bước vào cửa hàng giày da Đ. (Q.3), khách hàng nam nữ ra vào tấp nập, không gian bên trong bố trí ấm cúng, sang trọng và cũng thuận tiện cho việc quan sát, mua sắm. Ngồi trên ghế thử đôi giày màu nâu, được làm bằng da bò, kiểu dáng sang trọng, trẻ trung, giá 1.250.000 đồng/đôi, chị Lâm Hải Yến (nhân viên văn phòng, 32 tuổi) vui vẻ lý giải vì sao tới đây mua dù chưa từng thấy cửa hàng có chương trình giảm giá: "Giày đi bền, lâu hư, êm chân, nhất là giày cao gót đi không bị đau. Có đợt mình đi nhiều, lâu nên hư gót giày, vô đây nhân viên tiếp nhận bảo hành nhiệt tình, vài ngày sau nhận giày mới mà hoàn toàn không tốn đồng nào. Được cái cứ hư là đem vô bảo hành chứ không quan trọng mua lúc nào".

Với giá tiền trên, chị Hải Yến có thể hoàn toàn tự tin mua một đôi giày ngoại, nhưng chị vẫn chọn giày Việt, vì theo chị, ngoài chất lượng, chế độ bảo hành tốt thì hệ thống giày Việt này còn có mẫu mã được cập nhật liên tục, nhân viên bán hàng tận tâm, giá cả phù hợp với đồng tiền bỏ ra.

Mua giày thể thao thương hiệu Việt tại cửa hàng B. (Q.Bình Thạnh), anh Trần Văn Thanh (28 tuổi), cho biết hồi nhỏ được ba mẹ mua cho giày dép của hãng này và rất bền. Nhưng từ cấp 3 trở đi thì anh không dùng đồ của hãng này nữa vì mẫu mã cũ. Tuy nhiên, năm ngoái anh quyết định mua lại vì mẫu mã đa dạng, trẻ trung hơn, truyền thông cũng tốt hơn. Anh Thanh cho rằng, sự thay đổi của hãng là cần thiết, vì bền thôi thì chưa đủ, khách hàng cần đồ đẹp.

Sắp tới ngày tham gia vòng phỏng vấn giành suất học bổng quan trọng, chị Lê Thị Thủy (26 tuổi) dạo nhiều nơi, nhưng cuối cùng ghé lại cửa hàng thời trang thiết kế L. (Q.Phú Nhuận) do một cô gái Việt sáng lập và điều hành để mua chiếc váy màu xanh ngọc.

Mặc thử chiếc váy thanh lịch, tôn dáng người và dễ dàng di chuyển, chị Thủy chia sẻ: "Cuộc phỏng vấn này rất quan trọng, nên mình dành riêng một triệu cho việc mua váy. Mình có tới trung tâm thương mại thử một số váy của hãng nước ngoài, nhưng vẫn không ưng ý. Váy này rẻ hơn vài trăm nhưng chất liệu, kiểu dáng lại khiến mình thoải mái, tự tin, cửa hàng còn cho phép sửa theo số đo nếu muốn".

Theo chị Thủy, hàng may mặc của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm thiết kế vẫn chiếm nhiều lợi thế vì hiểu rõ vóc dáng, nhu cầu, thị hiếu người Việt, điều mà không phải nhãn hàng quốc tế nào cũng làm được.

Chị Minh Tâm (35 tuổi) nhận xét: "Nhớ hồi mới đi làm, mình lựa đi lựa lại bánh kẹo đặc sản để tặng đồng nghiệp nước ngoài. Bánh kẹo ăn thì ngon mà vỏ xấu, công đoạn mở vỏ khó khăn, mất thẩm mỹ hết mức.

Bán hàng không thể giữ mãi suy nghĩ ‘tốt gỗ hơn tốt nước sơn’. Nước sơn, bao bì phải đẹp, bắt mắt, thuận tiện thì khách hàng mới để ý, mới mua. Bây giờ nhiều loại bánh kẹo, cà phê, gạo...đặc sản đã có bao bì đẹp bên cạnh ruột tốt, vậy mới dễ chịu, dễ chi tiền hơn".

Gửi hồn Việt vào hàng Việt

"Một chiếc váy được làm từ vải lụa của làng nghề, được thợ Việt thuê tay tỉ mẩn, hoa văn gần gũi, đường nét tinh xảo, cảm giác chiếc váy có hồn, toát lên thẩm mỹ Việt, lúc mặc vào cảm thấy không se sua mà lòng rất an nhiên. Một chiếc váy mua của thương hiệu nước ngoài chưa chắc làm được", chị Bảo Chi (27 tuổi) chia sẻ quan điểm về lợi thế của hàng Việt.

Cũng như chị Bảo Chi, chị Khánh Như (47 tuổi, kinh doanh), cho biết khi mua tivi, máy tính, điện thoại...chị sẽ nghĩ ngay tới các sản phẩm có xuất xứ ngoại. Nhưng nhiều đồ thời trang, thực phẩm, thủ công...mang hồn Việt thì sản phẩm ngoại khó thay thế.

Chị Khánh Thư kể, lúc mới nhận nhà, chị cùng chồng đi mua sắm nội thất. Giá cả ngang ngửa, nhưng vợ chồng chị không chọn đồ phong cách Châu Âu, Mỹ, mà chọn mua bàn, ghế, sofa, tủ làm từ mây tre truyền thống được bán tại một cửa hàng ở Q.1.

Chị cho rằng: "Nội thất làm từ mây tre Việt giờ được trau chuốt, tuổi thọ cao, vẻ ngoài tinh tế, kiểu dáng phù hợp cho nhà mặt đất và cả căn hộ chung cư. Nếu chủ nhà biết sắp xếp vị trí thì nhìn rất ấn tượng, tạo cảm giác mới mẻ".

"Đổi mới là tốt, nhưng đừng đánh mất mình, phải giữ lại bản sắc Việt trên nền tảng phát triển, hội nhập. Chỉ cần doanh nghiệp Việt cởi mở, chịu tìm hiểu và tạo ra những sản phẩm vì người tiêu dùng, thực hiện các dịch vụ dựa trên lợi ích khách hàng, thì tự khắc khách hàng Việt sẽ đồng hành, tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp Việt", anh Nguyễn Vũ Vinh (45 tuổi) đóng góp.

Hiện nay, việc bán hàng không chỉ dừng lại ở "tiền trao cháo múc". Đáp ứng nhu cầu khách hàng, nhiều nhãn hàng còn lập hội nhóm chuyên trao đổi, mua bán lại đồ đã mua thuộc nhãn hãng, từ đó tạo thêm nguồn tiền cho khách, tạo nhu cầu để khách mua tiếp đồ mới. Đồng thời, chế độ bảo hành, vận chuyển, đổi trả cũng được nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm.

Bình luận của bạn