Người Việt không còn ham giá rẻ

Báo cáo mới đây nhất của Nielsen cho thấy, người tiêu dùng Việt đang tìm kiếm những sản phẩm “đáng đồng tiền bát gạo” nhất đối với họ, bất kể bối cảnh kinh tế đang diễn ra như thế nào.

Giá là một trong hai yếu tố quan trọng nhất trong việc mua hàng, nhưng người tiêu dùng Việt quan tâm nhiều hơn đến giá trị của sản phẩm hơn là vấn đề giá rẻ. Tâm lý này khiến hàng ngoại chất lượng tốt dù giá cao vẫn sống khỏe tại thị trường nội địa.

Tìm hàng đáng “đồng tiền bát gạo”

Chị Thu Ngân, một luật sư làm việc cho một công ty luật ở Q.1 (TP.HCM) cho biết bình quân chị chi tiêu 100.000 - 150.000 đồng cho trái cây mỗi ngày. “Nhưng do chất lượng an toàn thực phẩm trái cây nội khá mù mờ nên tôi đặt tin tưởng trái cây nhập khẩu hơn”, chị nói. Giá các loại trái cây ngoại cao hơn trái cây nội tùy loại khoảng 20 - 30%: 1 kg hồng Hàn Quốc giá 240.000 đồng, kiwi vàng New Zealand giá 190.000 đồng...

Táo Mỹ, cam Úc, nho không hạt, cherry, kiwi xanh New Zealand... đã là thực phẩm quen thuộc và khá phổ biến với người tiêu dùng Việt từ vài ba năm nay. Nếu như lúc trước, trái cây ngoại chỉ xuất hiện ở các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh thì nay đã “phủ” đầy ở các chợ, trên các xe bán dạo... Thực tế, với các mặt hàng thực phẩm, giá rẻ nay không còn quan trọng với nhiều người tiêu dùng bằng chất lượng và an toàn thực phẩm.

Tại một buổi giới thiệu các loại trái cây tươi từ New Zealand ở siêu thị Metro (Q.2, TP.HCM) mới đây, nhiều người đang lựa mua trái cây tại đây cho biết, trái cây của New Zealand, Úc, Mỹ là mặt hàng gia đình chọn mua hằng ngày. Chị Thủy Phương (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “Nho Chile tại đây có giá 105.000 đồng/kg, trong khi nho Ba Mọi của VN có giá 85.000 đồng/kg thì hàng không có thường xuyên, nên tôi chọn nho ngoại cho chắc. Tuy nhiên, lựa chọn này cũng có hai mặt, nếu không cẩn thận, vẫn bị mua nhầm trái cây ngoại “đểu” của Trung Quốc. Chúng tôi nay đi mua hàng dọ theo mã số để tránh bị mua nhầm hàng Trung Quốc. Nói chung nếu chọn hàng sạch, an toàn, chất lượng tương đương, tôi sẵn sàng trả cao hơn 30% để có đồ ăn ngon. Với các loại thực phẩm đặc trưng như mì Ý, pate, xúc xích... thì cao mấy cũng mua chứ không thể so sánh về giá nữa”.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, chia sẻ dịp lễ tết 2016 ông chứng kiến nhiều người đi Thái Lan mua thực phẩm về sử dụng, cho thấy người tiêu dùng Việt đã sẵn sàng mua giá đắt hơn nhưng có thể tin tưởng nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm. Một đôi tất dệt kim VN bán giá 15.000 đồng đầy ngoài đường, nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng mua một đôi tất Nhật Bản giá 200.000 đồng. “Tôi đi mua một cái áo sơ mi VN sản xuất vài trăm ngàn đồng nhưng mới 1 tháng đã đứt cúc, cổ áo sờn rách. Giá cao nhưng chất lượng không bằng hàng nước ngoài cũng là lý do khiến người tiêu dùng đổ xô mua hàng ngoại”, ông nói.

Đã hết thời “chịu trận”

Ông Đỗ Ngọc Chính, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng (CEscon), Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinatas), cho rằng đã qua thời người tiêu dùng Việt “ăn chắc mặc bền”, mà nhu cầu tiêu dùng của họ ở mức độ cao hơn, hướng đến việc đặt sức khỏe lên hàng đầu. Đó là lý do người tiêu dùng đặt yếu tố chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, cao hơn yếu tố giá cả. Thời gian trước, hàng hóa xuất xứ Trung Quốc phủ dày đặc thị trường, nhưng khi thông tin việc kém chất lượng và nguy hiểm đến sức khỏe lan rộng thì nhiều người chuyển hướng tìm nguồn hàng an toàn hơn, và chấp nhận mức giá cao hơn 20 - 30%. “Chuyển biến này đã làm nảy nở mảnh đất màu mỡ cho hàng hóa thực phẩm ngoại. Doanh nghiệp Việt cần phải nhanh nhạy tận dụng nhu cầu này để đưa thông tin minh bạch về sản phẩm để lấy niềm tin người mua”, ông phân tích.

Theo khảo sát của chúng tôi, tại siêu thị, chợ, tiệm tạp hóa, trong xu thế thay thế các mặt hàng Trung Quốc, nay các mặt hàng gia dụng như rổ, thau, bát đũa, cốc chén, chổi lau nhà, thùng đựng rác... xuất xứ từ Thái Lan rất nhiều. Đặc biệt, hàng hóa mỹ phẩm của Thái Lan có giá cao hơn tầm 20%, thậm chí mỹ phẩm cao gấp đôi so với hàng Việt vẫn được nhiều người mua sử dụng hơn.
Chẳng hạn, tại cửa hàng bán tạp hóa lớn C.N trên đường Lạc Long Quân (Q.Tân Bình, TP.HCM), chị Cẩm, chủ cửa hàng cho biết cùng một thương hiệu, nhưng nếu là hàng sản xuất tại Thái, sẽ cao hơn hàng sản xuất trong nước tầm 10 -15%, nhưng người tiêu dùng chấp nhận được. Tập trung nhiều nhất là các mặt hàng nước giặt, nước xả vải từ Thái. Ngoài ra, các nhãn hàng nhập từ Thái như D-Nee, Tizo... cũng có giá cao hơn hàng cùng loại trong nước, nhưng nay thị trường bắt đầu chuộng hơn.

Không chỉ với hàng Thái, người tiêu dùng Việt nay chuộng nhiều hàng Nhật, Hàn với mức giá cao hơn nhiều. Tại cửa hàng đồng giá 40.000 đồng/sản phẩm của Daso (Nhật) trong siêu thị Aeon Tân Phú (TP.HCM), chị Linh Đan (ngụ Q.Tân Bình) đang mua mấy cái nhấc nồi và lót ly với giá 40.000 đồng/sản phẩm, cho biết: “Mặt hàng này đổ đống tại chợ bán tầm 10.000 đồng/sản phẩm, trong siêu thị có giá tầm 16.000 - 25.000 đồng/sản phẩm chủ yếu hàng Việt. Nhưng tôi thích trả cao hơn để mua hàng Nhật bởi vì nó xinh hơn”.

Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, người tiêu dùng đã “chịu trận” hàng hóa thực phẩm chất lượng thấp thời gian qua. Nay đã qua thời đó và họ đang sử dụng quyền lực người tiêu dùng để buộc doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng hơn nữa. “Tôi mua một bó rau muống bán trong Vinmart giá 8.000 đồng, đắt gấp đôi rau ngoài chợ nhưng yên tâm mà sử dụng. Yên tâm về an toàn thực phẩm là lý do mà buổi chiều nào rau quả ở Vinmart cũng hết sạch”, ông nói. Ông phân tích thêm, thị trường có nhiều phân khúc tiêu dùng, hàng Thái Lan đắt hơn 5 - 10% nhưng vẫn hút người mua, phân khúc cao hơn có hàng Nhật, Hàn Quốc..., còn một phân khúc thấp mà đa phần là người lao động, công nhân... đang đành phải chấp nhận chất lượng trôi nổi, nhưng họ cũng dần ý thức và muốn thoát khỏi điều này.

Ông Phú cũng cảnh báo nông sản Việt đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác trong khu vực Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), áp lực đối với sản phẩm trong nước sẽ cao hơn khi hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN khác vào VN được miễn thuế.
 

Bình luận của bạn