Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt: Tạo sức lan tỏa
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự đi vào chiều sâu, tạo sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, địa phương và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Tròn 10 năm triển khai (31/7/2009 - 31/7/2019), Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự đi vào chiều sâu, tạo sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, địa phương và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện các cam kết hội nhập sâu, rộng cũng đặt ra yêu cầu doanh nghiệp Việt cần tổ chức lại các khâu từ sản xuất đến phân phối, quảng bá... mang tính chuyên nghiệp hơn để vừa chinh phục người tiêu dùng Việt vừa vươn tới toàn cầu.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Phó trưởng Ban thư ký Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Phóng viên: Xin bà chia sẻ những điểm mới và hiệu quả trong hoạt động của Bộ Công Thương về Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sau 10 năm triển khai?
Bà Lê Việt Nga: 10 năm thực hiện cuộc vận động của ngành công thương đã đạt được kết quả rất khả quan trong việc thúc đẩy được tỷ lệ hàng Việt Nam trong hệ thống phân phối hiện đại.
Cùng với đó, với những hoạt động tích cực trong việc giới thiệu quảng bá đã đẩy mạnh được đưa thông tin tới người tiêu dùng và các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, hàng hóa Việt Nam ngày càng có chất lượng và dịch vụ hậu mãi tốt hơn.
Tuy nhiên, hàng hóa và thương hiệu Việt lại gặp áp lực cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước với hàng hóa nhập ngoại và hàng hóa do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất.
Hơn nữa, không ít mặt hàng còn chưa đủ năng lực cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, dịch vụ hậu mãi và còn gian lận thương mại, sản xuất hàng giả gây mất uy tín hàng hóa thương hiệu Việt…
Chính vì vậy, Bộ Công Thương tập trung triển khai đồng loạt trên các kênh truyền thông có lượng theo dõi cao nhằm đẩy mạnh tôn vinh, quảng bá hàng hóa thương hiệu Việt.
Mặt khác, để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Bộ Công Thươngcũng tổ chức những hoạt động mang tính kết nối sâu. Điều này nhằm kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối Việt Nam để người tiêu dùng Việt Nam tự hào sử dụng hàng Việt Nam, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng thương hiệu Việt.
Cụ thể, thông qua chất lượng hàng hóa, nhất là hàng hóa của ngành công thương cần được cải thiện tốt hơn, nhất là khi Việt Nam đã tham gia vào nền kinh tế thế giới.
Bởi, hàng hóa Việt Nam sẽ không dễ dàng cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài trước hàng rào thuế quan cũng như giá cả và chất lượng sản phẩm.
Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ nông dân sản xuất ra hàng hóa chất lượng tốt hơn.
Cùng đó, hệ thống phân phối cần đảm nhiệm đầu ra một cách hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng hóa trong nước.
Hiện tại, mới chỉ có các hệ thống phân phối hiện đại đáp ứng tốt cuộc vận động này khi mà các hệ thống phân phối hiện đại có thương hiệu Việt đã kinh doanh tới hơn 90% hàng hóa sản xuất trong nước.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã vận động được một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sở hữu những hệ thống phân phối như BigC, AEON tập trung phân phối hàng hóa trong nước lên tới mức 80-90%.
Tuy nhiên, cần có những giải pháp tốt hơn về những hệ thống phân phối truyền thống như chợ truyền thống khi đang đảm nhiệm hơn 60% lượng hàng hóa trong tổng mức bán lẻ hàng hóa. Vì thế cần phải nâng được lượng hàng sản xuất kinh doanh thông qua việc phân phối ở những hệ thống này.
Phóng viên: Hiện, tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống siêu thị là hơn 80%, trong khi tỷ lệ này tại chợ truyền thống có hơn 60%. Vậy đâu là rào cản thưa bà?
Bà Lê Việt Nga: Hầu hết các siêu thị đều có trung tâm mua sắm hàng hóa lớn nên việc thu mua và đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối chuỗi rất dễ dàng.
Hơn nữa, hàng hóa Việt Nam sản xuất đã có chất lượng và phân khúc giá thành cao hơn nên đưa vào siêu thị mới đáp ứng được việc đảm bảo giá thành và thu lợi nhuận.
Tuy nhiên, tại các chợ, việc truy suất hàng hóa còn hạn chế nhất là tại các chợ vùng sâu vùng xa, hầu hết các gia đình đều tự cung tự cấp chỉ mang ra chợ bán những sản phẩm gia đình sản xuất thừa nên việc truy suất nguồn gốc rất khó khăn.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hàng hóa ra chợ vẫn chưa bị trói buộc những quy định pháp luật hiện hành về truy suất nguồn gốc hàng hóa, dán tem… Điều này dẫn đến nhiều kẽ hở cho hàng hóa trôi nổi lọt vào.
Một thực tế nữa là không ít người dân địa phương chỉ thích mua hàng hóa giá rẻ nên hàng hóa trôi nổi trở nên phù hợp bởi chất lượng không đảm bảo và gây cạnh tranh không lành mạnh với hàng Việt.
Việc này cần tuyên truyền tốt hơn và đưa hàng hóa về các chợ truyền thống tốt hơn nữa mới bảo vệ được người tiêu dùng trong nước và bản thân các doanh nghiệp phải quan tâm hơn nữa tới phân khúc hàng giá rẻ tại khu vực nông thôn.
Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa trong việc tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng nông thôn để biết nhu cầu và khả năng tài chính để sản xuất hàng hóa phù hợp, đánh bật được hàng hóa trôi nổi ra khỏi chợ truyền thống.
Đặc biệt, trong lĩnh vực này, vai trò của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam là trung gian cũng như chất kết dính giữa nhà sản xuất với hộ tiểu thương trong chợ rất quan trọng.
Qua đó, các doanh nghiệp lớn chung tay thu mua hàng hóa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ gia đình nhỏ lẻ sản xuất để đưa vào chợ truyền thống tới tay các hộ tiểu thương.
Đáng lưu ý, tại Quyết định 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014-2020 có một mục tiêu rất quan trọng là đến năm 2020, tất cả các tỉnh, thành phố cần phải tổ chức được dịch vụ kết nối cung cầu hàng hóa. Vì thế, bên cạnh sự góp sức của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam rất cần các Hiệp hội ngành hàng khác tham gia để chương trình phát huy hiệu quả và tỷ lệ hàng Việt phải đạt mức trên 80% như tại các hệ thống phân phối hiện đại hiện nay.
Đặc biệt, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh và phòng vệ thương mại trong việc quản lý tốt hơn và ngăn chặn các hành vi vi phạm thương mại.
Phóng viên: Sau 10 năm triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhiều doanh nghiệp vẫn chưa khai thác hết việc đưa hàng Việt về nông thôn. Xin bà cho biết, Bộ Công Thương có những giải pháp gì để đẩy mạnh vấn đề này?
Bà Lê Việt Nga: Giải pháp cốt lõi vẫn là tăng chất lượng hàng hóa và đưa ra những sản phẩm có giá thành phù hợp với túi tiền và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nông thôn. Ngoài ra, phải tăng được độ phủ về kênh bán hàng tại khu vực này.
Có thể thấy rằng, rất nhiều doanh nghiệp lớn về tiêu dùng nhanh đã là tấm gương sáng trong việc tăng độ phủ tại khu vực nông thôn như Vinamilk, Masan…
Ngoài ra, những bài học kinh nghiệm của các công ty lớn này cũng là bài học để các công ty nhỏ phối hợp với các công ty lớn trong việc tạo ra một hệ sinh thái cùng nhau đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối mà hiệp hội ngành hàng và ngành nghề sẽ đứng vai trò đầu mối kết nối tạo ra hệ sinh thái đó.
Doanh nghiệp lớn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và thậm chí hỗ trợ cho các hợp tác xã, hộ nông dân để có thể đưa hàng hóa cùng nhau đến những điểm phân phối không chỉ ở thành phố, nông thôn mà cả biên giới hải đảo. Bởi vậy, việc các doanh nghiệp kết nối với nhau, cùng nhau đi xa, cùng nhau đưa hàng một cách hiệu quả là việc làm hết sức quan trọng.
Phóng viên: Vậy, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có hỗ trợ gì để tiếp sức cho các doanh nghiệp và tạo sức lan tỏa cho hàng Việt?
Bà Lê Việt Nga: Từ nay đến năm 2020, Bộ Công Thương sẽ lên kế hoạch triển khai rất nhiều đề án chương trình do Chính phủ phê duyệt. Chẳng hạn như Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp về truyền thông, tôn vinh quảng bá sản phẩm và thương hiệu uy tín.
Mặt khác, Bộ sẽ tổ chức các hệ thống phân phối hàng Việt Nam có tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, những điểm bán hàng Việt Nam không chỉ ở thành phố mà ở cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo; tập huấn kỹ năng phân phối hàng Việt Nam cho các doanh nghiệp và các hộ tạp hóa kinh doanh theo phương thức truyền thống trong các chợ truyền thống.
Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đang phối hợp với Vụ Thị trường trong nước ra mắt chương trình thương mại điện tử đưa hàng hóa từ 20.000 điểm bán hàng bình ổn hiện có do Vụ Thị trường trong nước phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh khởi xướng để đến tay người tiêu dùng.
Bộ Công Thương hy vọng rằng, trong năm nay Chính phủ sẽ phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến 2025 tầm nhìn 2035 từ đó tạo ra chuỗi liên kết hàng hóa Việt Nam tiêu thụ tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.