Nhìn Lại Chặng Đường Đưa Hàng Việt Đến Với Người Dân

Người tiêu dùng đã có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ưu tiên dùng hàng Việt như là cách thể hiện lòng yêu nước.

Trong suốt thời gian qua, Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của TPHCM tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức tiêu dùng hàng Việt, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm sản xuất trong nước, phối hợp liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành trên cả nước nhằm đưa hàng Việt đến với người dân. 

Người tiêu dùng đã có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ưu tiên dùng hàng Việt như là cách thể hiện lòng yêu nước. Các doanh nghiệp cũng có sự đầu tư mạnh để sản xuất các mặt hàng có chất lượng, đa dạng mẫu mã, xây dựng và phát triển thương hiệu. Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 40 trung tâm thương mại, gần 200 siêu thị, trên 240 chợ truyền thống và hơn 1.000 cửa hàng tiện ích. Các hệ thống phân phối đang tiếp tục được đầu tư, đổi mới cải tiến chất lượng dịch vụ, góp phần đáng kể trong việc thay đổi diện mạo ngành thương mại thành phố theo hướng hiện đại và tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống này duy trì ở mức hơn 90%. Một số người tiêu dùng đánh giá cao hàng Việt Nam hiện nay: "Tuy hàng Việt Nam mẫu mã không đẹp như các nước bạn, nhưng mà em thấy mặt hàng dễ tìm thấy, dễ sử dụng hơn, cảm thấy tự tin và đảm bảo hơn khi sử dụng hàng Việt Nam. Trong thời gian qua bản thân mình rất tin tưởng, mình xài hàng cảm thấy bây giờ chỉ tin tưởng hàng Việt Nam nhiều nhất về chất lượng, giá cả tương đối ổn định cũng như phù hợp với vấn đề tiền nào của đó, chất lượng hàng Việt Nam so trước rất là tốt".

Đối với Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, đơn vị chủ lực cung ứng mặt hàng trứng gia cầm các loại cho thị trường và cho chương trình bình ổn thị trường của thành phố, ông Trương Chí Thiện – Tổng giám đốc công ty khẳng định, nhờ hiệu ứng từ Cuộc vận động, công ty đã có nhiều thuận lợi trong việc liên kết với các đối tác để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho các hộ nông dân… Hiện công ty đã đưa ra thị trường 20 loại sản phẩm trứng gia cầm với tổng sản lượng hiện nay khoảng 500.000 quả/ngày, đủ sức cạnh tranh với trứng gia cầm của các công ty có vốn từ nước ngoài. Ông Trương Chí Thiện, cho biết thêm: "Xem cuộc vận động vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với doanh nghiệp, qua đó đẩy mạnh sản xuất kinh doanh các sản phẩm có chất lượng, thương hiệu tốt, đầu tư thiết bị máy móc hiện đại vào trong sản xuất kinh doanh, cải tiến chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, đưa ra thị trường các sản phẩm có chất lượng tốt - giá thành hạ, đáp ứng như cầu người tiêu dùng, từng bước tạo niềm tin, văn hóa tiêu dùng hàng Việt cho người dân thành phố, xây dựng và phát triển thương hiệu bằng uy tín, chất lượng sản phẩm".

Còn bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food nêu rõ, cuộc vận động đã mang lại nhiều lợi ích rất lớn cho các doanh nghiệp, trong đó có Sài Gòn Food, may mắn khi thành lập công ty thì có cuộc vận động này, vì thế đã nương theo và phát triển cho đến ngày nay. Trong nhiều năm qua, công ty luôn đặt chiến lược phát triển song song giữa cung cấp thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó thị trường nội địa luôn được ưu tiên phát triển vì đây là thị trường tiềm năng với nhiều sản phẩm đa dạng. Bà Lê Thị Thanh Lâm cho hay: "Đến giai đoạn này thì làm sao cuộc vận động này có gì cải tiến hơn nữa, đột phá hơn nữa, để làm sao thiết thực giúp đỡ doanh nghiệp bằng các hoạt động cụ thể hơn nữa. Thí dụ như bây giờ đưa vào nhà trường thì mình làm sao đó với đối tượng nhà trường có chương trình riêng, đưa vô sinh viên để làm sao sinh viên yêu nước hơn thì có chương trình riêng. Hoặc là doanh nhân, hoặc là lãnh đạo cũng phải có chương trình riêng, tức là đưa vào từng phân khúc để có chương trình hoạt động cụ thể hơn nữa, và đi sâu vào lòng người để kêu gọi tinh thần yêu nước của người Việt Nam, bây giờ kêu gọi tin thần yêu nước qua chương trình Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt này thì mình phải chia nhỏ ra cho từng đối tượng, có chương trình cụ thể riêng".

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, hưởng ứng cuộc vận động hàng năm Sở đều thực hiện nghiêm túc, hiện nay sản phẩm dùng của giáo dục đào tạo trên 90% là hàng Việt Nam trừ một số máy móc, riêng mặt hàng thực phẩm thì 100% là hàng Việt Nam. Sở cũng đã hợp tác với một số đơn vị như Vissan, Công ty Ba Huân để cung cấp thực phẩm cho các trường, nhưng chỉ cung cấp nhỏ, riêng lẻ chưa có bài bản, ông Lê Hoài Nam, đề nghị: "Thứ nhất là hợp tác với Sở thì hợp tác nhiều mặt, đưa thực phẩm của doanh nghiệp Việt vào nhà trường, vào các bếp ăn, 2000 trường học mà trên 50% đã có bếp ăn rồi. Thứ hai là cung cấp các buổi ngoại khóa, cho học sinh tham quan thì rất là thích, huớng nghiệp cho các học sinh, cùng tham gia công tác xã hội, cho học sinh tham quan dây chuyền, nếu làm được cho học sinh thì quá tốt. Thứ ba cử người của doanh nghiệp đến tập huấn về an toàn vệ sinh thực phầm cho các nhà trường, học sinh, đây cũng là một cách để vừa quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp, vừa giúp cho xã hội, hỗ trợ giáo dục trong công tác đào tạo".

Để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại thành phố ngày càng đi vào chiều sâu, không ngừng củng cố và nâng cao vị thế của hàng Việt Nam, Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung - Trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động Thành phố yêu cầu cần tiếp tục gắn liền cuộc vận động với các chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường… Cuộc vận động đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc sản xuất đưa ra các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, quan tâm hơn việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu trí tuệ. Bà Võ Thị Dung nhấn mạnh: "Nhiệm vụ giải pháp đầu tiên phải tăng cường thông tin tuyên truyền, tuyên truyền để biết chủ trưởng của Đảng, Nhà nước, đồng thời tuyên truyền để quảng bá sản phẩm hàng Việt có chất lượng. Thứ hai phát triển hệ thống phân phối. Thứ ba nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, cho doanh nghiệp Việt Nam mình. Và thứ tư là tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường để bảo vệ người tiêu dùng".

Với sự tín nhiệm của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam ở thành phố là sức lan tỏa, là động lực để các doanh nghiệp chuyển mình tích cực nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm giá thành, từ đó, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.

Bình luận của bạn