Nông nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ TPP

Tờ Clarin, tờ báo lớn nhất Argentina, đã có bài viết nhận định về những cơ hội mà Việt Nam, quốc gia có nhiều thành tựu về nông nghiệp trong những năm gần đây, sẽ có nhờ việc ký kết TPP.

Tờ Clarin, tờ báo có số phát hành lớn nhất Argentina, mới đây đã có bài viết nhận định về những cơ hội mà Việt Nam, một quốc gia có nhiều thành tựu về nông nghiệp trong những năm gần đây, sẽ có nhờ việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Dưới tiêu đề “Nông nghiệp Việt Nam tìm kiếm đầu tư”, bài báo cho rằng với TPP, Việt Nam, một quốc gia sản xuất nông nghiệp ở châu Á, sẽ thu hút hàng triệu USD đầu tư và sản xuất lương thực sẽ bùng nổ. Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đã tăng mạnh từ 95,4 tỷ USD năm 2011 lên 133 tỷ USD năm 2014.

Là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, sau Thái Lan, song gạo xuất khẩu của Việt Nam là loại chất lượng thấp.

Khi gia nhập TPP, xuất khẩu gạo của Việt Nam tới các thị trường châu Á sẽ tăng từ 4 tới 6 lần và điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải đối diện với những thách thức về môi trường do canh tác nhiều vụ trong năm khiến đất đai cạn kiệt hay như việc sử dụng nguồn nước không bền vững do dùng quá nhiều thuốc trừ sâu và phân bón.

Giải pháp của thách thức này đó là tăng cường công nghiệp hóa sản xuất lương thực trên cơ sở thu hút các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bài báo cho rằng mấu chốt của TPP là thu hút đầu tư nước ngoài, chủ yếu từ Mỹ và Nhật Bản, và có thể coi đây là cơ hội đầu tiên để Việt Nam thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và lương thực, chứ không chỉ trong ngành công nghiệp dệt may hay dụng cụ thể thao.

Cho tới nay, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á được hưởng lợi nhiều nhất từ việc giá nhân công tăng ở Trung Quốc, vào khoảng 10%/năm kể từ 2009.

Việt Nam đã đạt được nhiểu thành công với quá trình Đổi mới, được thực hiện từ 1986. Năm nay, tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,7%.

Với TPP, trong vòng 10 năm tới, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng trưởng 11% và kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 12%.

Bài báo kết luận, với cơ dấu dân số trẻ, 70% trong tổng số 88 triệu dân dưới 30 tuổi, nhu cầu tiêu thụ thịt của Việt Nam rất lớn.

Với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và nhu cầu tiêu thụ thịt nhiều, Việt Nam sẽ mở thêm cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu nông phẩm như Brazil và Argentina.

Bình luận của bạn