Nông sản an toàn Sơn La tại Hà Nội: Cam kết tiêu thụ

Sau Tuần hàng nông sản an toàn Sơn La được tổ chức khá thành công tại Hà Nội vào trung tuần tháng 8 vừa qua, nông sản an toàn Sơn La có thêm cơ hội hiện diện sâu hơn tại thị trường thủ đô nhờ Bản ghi nhớ cam kết tiêu thụ nông sản an toàn Sơn La tại Hà Nội vừa được hai địa phương ký kết.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, ông Bùi Đức Hải cho biết: Sơn La có 2 cao nguyên lớn là Mộc Châu và Nà Sản thích hợp trồng các loại rau, củ, quả đặc sản chất lượng cao cùng các hồ thủy điện, hồ chứa nước thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản. Hiện, tỉnh Sơn La có tới gần 6.000ha rau với sản lượng đạt trên 77.000 tấn/năm, trên 133ha hoa chất lượng cao, 19.593ha cây ăn quả như mận, hồng giòn, na, cam, quýt; trên 4.000ha chè, gần 12.000ha cà phê; 17.500 con bò sữa… Sơn La đã và đang từng bước chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó, nông sản Sơn La như rau, củ quả, chè, cà phê, sữa, mật ong, cá hồi, cá tầm, trâu, bò, dê… đã được đông đảo người tiêu dùng Hà Nội đón nhận.

Về phía Hà Nội, những năm qua, thành phố đã có nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất các sản phẩm an toàn, tuy nhiên chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân. Do đó, Hà Nội luôn chủ động tăng cường kết nối với các tỉnh, thành phố trên cả nước để tìm nguồn cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó có Sơn La. Nhiều doanh nghiệp (DN) của Hà Nội đã “vào cuộc” trong việc đưa thực phẩm an toàn của Sơn La về Hà Nội như: Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) hỗ trợ tiêu thụ quả sơn trà (táo mèo) làm nguyên liệu sản xuất rượu vào dịp cuối năm với giá trị giao dịch khoảng 200-300 triệu đồng/năm; thu mua chè xanh, chè đen của HTX nông nghiệp Hà Anh với giá trị giao dịch khoảng 1 tỷ đồng. Công ty CP Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart) đã kết nối, khai thác các sản phẩm rau, củ, quả của HTX rau an toàn Tự Nhiên - Mộc Châu, Công ty CP Green Farm với sản lượng trung bình đạt trên 50 tấn/tháng... Tuy nhiên, lượng tiêu thụ này chưa thấm vào đâu so với sức tiêu thụ của người tiêu dùng Hà Nội cũng như năng lực sản xuất của Sơn La.

Để thúc đẩy giao thương hàng hóa nông sản giữa hai địa phương, Bản cam kết tiêu thụ nông sản an toàn Sơn La tại Hà Nội vừa được hai địa phương ký kết chỉ rõ, UBND TP. Hà Nội giao Sở Công Thương là đầu mối thường xuyên liên hệ, phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Sơn La, các cơ quan liên quan trong việc kết nối, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn Sơn La với TP. Hà Nội. Giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố định kỳ giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn Sơn La; giới thiệu DN Hà Nội đầu tư một số chợ gắn với thu mua, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn tại tỉnh Sơn La; phối hợp đưa các DN và mặt hàng đặc sản của tỉnh Sơn La tham gia chương trình Đặc sản vùng miền Việt Nam… Tỉnh Sơn La có trách nhiệm đẩy mạnh hướng dẫn DN, cơ sở, hộ sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn đã được chứng nhận như ISO, VietGAP, GlobalGAP, nhân rộng mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, nghiên cứu đầu tư lĩnh vực chế biến nhằm nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để các sản phẩm nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường thủ đô.

Bình luận của bạn