Nông sản an toàn: Chinh phục người tiêu dùng Thủ đô

Được khởi động từ tháng 5/2016, sau gần 1 năm hoạt động, Phiên chợ Nông sản an toàn và vật tư nông nghiệp được tổ chức bởi Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã và đang trở thành địa chỉ mua sắm được người tiêu dùng Thủ đô tin tưởng. Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất các mặt hàng đặc sản, nông sản an toàn đã tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình.

Hiệu quả kép

Gần một năm nay, cứ vào tuần giữa tháng, ông Phạm Văn Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) lại dành vài ngày nghỉ cuối tuần để đi mua thực phẩm tại Phiên chợ Nông sản an toàn và vật tư nông nghiệp. Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông cho hay: Hiện nay, có quá nhiều cửa hàng thực phẩm an toàn được mở ra nhưng người tiêu dùng không thể kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm. Do đó, tôi nghĩ rằng, hàng hóa được bán tại các phiên chợ do nhà nước tổ chức như ở đây sẽ đáng tin hơn.

Cũng gắn bó với Phiên chợ Nông sản an toàn và vật tư nông nghiệp từ những ngày đầu tiên, bà Phạm Thị Hà (Khu 1, thị trấn Trạm Tấu, Yên Bái) - cho biết, bà mang xuống phiên chợ nhiều mặt hàng gạo đặc sản của Yên Bái như: Gạo nếp nương, gạo lứt núi, gạo séng cù…, sản phẩm có chất lượng, không trộn, không sử dụng hóa chất, nên mỗi phiên chợ tiêu thụ khoảng 1 tấn gạo các loại. “Khi có khách đến mua hàng, tôi thường để lại địa chỉ liên lạc cho khách. Mỗi phiên chợ phát ra khoảng 100 tấm thẻ địa chỉ thì có khoảng 70 khách liên lạc lại để mua hàng. Do đó, sau phiên chợ, tôi cũng có nhiều khách hàng thường xuyên, trong đó có những khách hàng lớn như: Công ty Bảo Tín Minh Châu, một số trường đại học xung quanh Hà Nội…” - bà Phạm Thị Hà cho hay.

Giúp gắn kết người tiêu dùng và DN để tiêu thụ nông sản an toàn, đó là thành công lớn nhất Phiên chợ Nông sản an toàn và vật tư nông nghiệp đạt được sau gần một năm tổ chức. Ông Hoàng Văn Dự - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - chia sẻ: Phiên chợ đã giúp hình thành một địa chỉ cung cấp nông sản và vật tư nông nghiệp uy tín, là “địa chỉ xanh” cho người dân thủ đô đến thăm quan, mua sắm. Đây cũng là địa chỉ ổn định cho DN sản xuất nông sản an toàn có nơi để trưng bày sản phẩm, giao lưu và tìm kiếm đơn hàng.

Giải bài toán chi phí

Theo các DN tham gia phiên chợ, dù được người tiêu dùng tin tưởng và mua khá nhiều hàng, nhưng khó khăn lớn nhất là các sản phẩm an toàn thường có giá cao hơn các sản phẩm bày bán ở chợ. Bà Nguyễn Hồng Vĩnh (Làng nghề bánh chưng số 9 Bờ Đậu, Phú Lương, Thái Nguyên) - bày tỏ, DN muốn bán được nhiều hàng thường phải “lấy công bù lãi”. Tuy vậy, chi phí mang hàng từ Thái Nguyên xuống Hà Nội không nhỏ, do đó, nếu phiên chợ kéo dài hơn, giúp DN bán nhiều hàng hơn hoặc DN được hỗ trợ chi phí vận chuyển thì hiệu quả sẽ cao hơn.

Đồng ý kiến với bà Vĩnh, ông Hoàng Văn Dự cho biết thêm, do phiên chợ diễn ra ít ngày, nguồn thu ít nên kinh phí để duy trì phiên chợ gặp khó khăn. Thời gian tới, ngoài việc tích cực tuyên truyền, quảng bá, Ban tổ chức cũng mong có nhiều DN tham gia phiên chợ để hiệu quả nâng cao hơn.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến độ an toàn của thực phẩm. Do đó, đây là thời điểm để DN sản xuất nông sản, đặc sản an toàn tìm thấy đầu ra ổn định. “Mong rằng, thời gian tới, phiên chợ sẽ nhận được thêm sự hỗ trợ của nhà nước để có chi phí duy trì hoạt động; đồng thời DN sẽ ủng hộ phiên chợ nhiều hơn để có thể mở rộng quy mô, vừa giúp người tiêu dùng có sản phẩm, vừa giúp DN có đầu ra ổn định hơn”- ông Dự cho hay.

Bình luận của bạn