Nông sản Việt Nam lên kệ 190 quốc gia nhưng ý thức sản xuất vẫn kém
Trong báo cáo gửi tới Kỳ hợp thứ 8 Quốc hội khoá 14 về công tác mở cửa thị trường xuất khẩu nông lâm thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ghi nhận nhiều kết quả đạt được trong tháng 10 năm 2019.
Cụ thể, gia tăng số doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga, Ả rập Xê út. 13 doanh nghiệp tiếp tục được xuất khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ; mở rộng xuất khẩu nông sản sang một số thị trường mới nhưxuất khẩu thịt gà sang Nhật; xoài, vú sữa sang Hoa Kỳ; măng cụt, sữa sang Trung Quốc; nhãn, vải sang Úc... Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng đầu năm 2019 đạt 30,2 tỷ USD tăng 2,7% so với cùng kỳ.
Hiện, nông lâm thủy sản Việt Nam có mặt ở trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chi tiết hơn từng sản phẩm, Bộ này cho hay, đối với các sản phẩm trồng trọt, hầu hết các sản phẩm khô, đã qua chế biến có thể xuất khẩu đi tất cả các thị trường. Riêng đối với quả tươi một số thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc... đòi hỏi phải được phân tích nguy cơ dịch hại và cấp phép nhập khẩu từng loại quả.
Về sản phẩm chăn nuôi, hiện đã xuất khẩu thịt gà chế biến đi Nhật Bản; xuất khẩu lợn sữa vào Malaysia, Hồng Kông; xuất khẩu mật ong đi EU, Hoa Kỳ. Đã xuất lô sữa đầu tiên đi Trung Quốc trong tháng 10/2019, hoàn thành đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Hồng Kông để xuất khẩu thịt lợn mảnh đông lạnh, thịt gà chế biến và tổ yến sang Hồng Kông.
Đối với thủy sản, Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản sang các thị trường khó tính, như: EU, Mỹ, Hàn Quốc,… Riêng Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến được từ Việt Nam.
Về lâm sản, các thị trường lớn xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…, giá trị xuất khẩu lâm sản và lâm sản ngoài gỗ tăng theo hàng năm.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp, công tác cập nhật, phổ biến quy định của thị trường nhập khẩu của các cơ quan quản lý nhà nước cho doanh nghiệp xuất khẩu có lúc chưa đầy đủ, kịp thời.
"Các doanh nghiệp xuất khẩu chưa nhận thức đủ về yêu cầu quy định của thị trường; ý thức của một số bộ phận người sản xuất, kinh doanh còn kém dẫn đến vi phạm các quy định về đảm bảo chất lượng, mẫu mã, xuất xứ hàng hóa,…", báo cáo nêu rõ.
Để tháo gỡ hàng loạt khó khăn, khắc phục tồn tại, hạn chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, thời gian tới tiếp tục đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại, đặc biệt là các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, ASEAN.... Phối hợp đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương và các sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng.
Rà soát, điều chỉnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản và các thông tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn sản xuất.