Nông sản Việt Nam tìm đường thoát khỏi phụ thuộc thị trường Trung Quốc
Muốn mở rộng được thị trường xuất khẩu, tránh cảnh ùn tắc, được mùa mất giá, chỉ phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, nông sản, thực phẩm Việt Nam cần tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm.
Sáng 23-5, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và các cơ quan liên quan đã tổ chức hội thảo "Những yêu cầu mới về tiêu chuẩn để nông sản, thực phẩm Việt hội nhập".
Theo ông Đào Đức Huấn- Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do nên doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều cơ hội xuất khẩu sản phẩm của mình sang các thị trường.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhu cầu tiêu dùng, lòng tin về sản phẩm nông lâm sản của Việt Nam giảm sút, trong đó đáng lo ngại nhất là chất lượng an toàn thực phẩm.
"Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến tiếp cận thị trường xuất khẩu khó khăn do các hàng rào về kỹ thuật"- ông Đào Đức Huấn cho hay.
Lâu nay, Việt Nam vẫn luôn có thế mạnh về sản xuất nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Bởi vậy, khi thị trường này ngừng mua hoặc thay đổi chính sách nhập khẩu, nông sản, thực phẩm Việt Nam lập tức bị ùn ứ, phải đổ bỏ.
Mở rộng xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật, Nga... được cho là lời giải cho bài toán nông sản Việt Nam "được mùa mất giá". Nhưng do không đảm bảo an toàn thực phẩm, không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về an toàn nên nông sản, thực phẩm Việt Nam khó xâm nhập được vào các thị trường này.
Dẫn từ báo cáo công tác thanh tra chuyên ngành năm 2016 của Bộ NN&PTNT, đại diện công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Phát triển Nông nghiệp (VinEco) cho hay, mỗi năm diện tích trồng trọt cả nước tăng 57% nhưng lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng tăng đến 517%.
Nhu cầu tiêu thụ rau tính bình quân theo đầu người ở Việt Nam tương đương thế giới, nhưng chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm lại rất đáng báo động.
"Việt Nam nhập khẩu trung bình 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực phẩm dạng nguyên liệu và thành phẩm mỗi năm, tương đương 1.643 hoạt chất, trong đó 90% nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng chính Trung Quốc chỉ cho phép dùng 600 hoạt chất. Tuy nhiên, đây chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Điều này cho thấy có nhiệt hoạt chất độc, thời gian tồn dư dài, thế giới đã cấm sử dụng nhưng vẫn còn được phép lưu hành tại Việt Nam"- đại diện VinEco nói.
Đại diện doanh nghiệp cũng giới thiệu mô hình sản xuất sạch, liên kết với nông dân và các hợp tác xã để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Theo ông Herb Cochran- cố vấn Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham), 15% thực phẩm tiêu dùng của Mỹ được nhập khẩu từ từ hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Số ca ngộ độc thực phẩm tại nước này hàng năm cũng khá lớn.
Để hạn chế rủi ro với người tiêu dùng, Mỹ đưa ra Luật hiện đại hóa An toàn thực phẩm, trong đó có những yêu cầu bắt buộc để phòng ngừa các nguy cơ từ thực phẩm không an toàn, các tiêu chí sản xuất an toàn bắt buộc để doanh nghiệp phải tuân thủ.
"Đối với doanh nghiệp Việt Nam, việc không tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm là hàng rào lớn nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Mỹ"- ông Herb khuyến cáo.