Nông sản Việt tìm cách giữ thị trường

Với thị hiếu tiêu dùng tương đồng nhau, Việt Nam và Trung Quốc có vị trí địa lý sát nhau, lại chung đường biên giới khá dài nên vận chuyển hàng hóa thuận lợi.

Với thị hiếu tiêu dùng tương đồng nhau, Việt Nam và Trung Quốc có vị trí địa lý sát nhau, lại chung đường biên giới khá dài nên vận chuyển hàng hóa thuận lợi, đặc biệt phù hợp với các mặt hàng nông sản có đặc tính thời vụ cao.

Tuy nhiên, yêu cầu về hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc ngày càng nâng lên và đây cũng là xu hướng chung trên thị trường thế giới mà các nước xuất khẩu nói chung và Việt Nam nói riêng cần có giải pháp để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giữ vững thị trường. 


 

Cụ thể nhu cầu về tiêu dùng cũng như nhập khẩu nhóm hàng nông thủy sản để tiêu dùng và làm nguyên liệu phục vụ sản xuất của Trung Quốc rất lớn và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. 

Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam-Trung Quốc đạt 46,8 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, Việt Nam xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc đạt 3,7 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ. 

Tuy nhiên, hàng Việt Nam gặp cạnh tranh với các nước có nguồn cung tương tự như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Campuchia... thậm chí là nguồn cung nội địa của Trung Quốc, bởi phía bạn hiện cũng đã sản xuất một số loại cây như thanh long, chuối, dưa hấu….

Trong khi đó, một số loại nông, thủy sản Việt Nam có thế mạnh lại chưa được Trung Quốc cho phép nhập khẩu như măng cụt, sầu riêng, chanh leo, lợn sống, sản phẩm sữa, cá đồng, nghêu... 

Theo ông La Đình Tuyến, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hiện nay, Trung Quốc đã trở thành một thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Theo đó, nước này đã đầu tư xây dựng, nâng cấp các phòng kiểm nghiệm, kiểm dịch chất lượng hàng hóa quy mô lớn với trang thiết bị hiện đại, năng lực kiểm định không thua kém các cơ sở của các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... 

Với xu hướng quản lý hiện nay của phía bạn, xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam vào thị trường này sẽ chịu rào cản chất lượng cao hơn và sức ép cạnh tranh cao hơn từ các nước trong khu vực ASEAN. 

“Chúng ta cần tiếp tục duy trì địa bàn truyền thống như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và thâm nhập địa bàn tiềm năng như Tứ Xuyên, Giang Tô, Triết Giang, Phúc Kiến. Đồng thời tiếp tục cải tiến cách thức thông quan hàng nông thủy sản qua cửa khẩu một các thuận thiện nhất để đưa hàng hóa đến người tiêu dùng Trung Quốc sao cho nhanh nhất, giảm giá thành, chi phí”, ông La Đình Tuyến nhấn mạnh. 

Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII cho biết, Trung Quốc ngày càng nâng cao hàng rào về kiểm dịch thực vật và những quy định khắt khe hơn đối với nông sản nhập khẩu.

Do đó, để giữ vững uy tín hàng Việt Nam xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt qui định của Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc; thay đổi phương thức bảo quản; cam kết khắc phục không để vi phạm đối với những lô hàng tiếp theo… 

Đồng thời, phối hợp với các trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu tăng cường kiểm tra lấy mẫu đối với các lô hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là mặt hàng thanh long, nhãn và chuối xanh. 

Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch, kiểm nghiệm của Trung Quốc dần tháo gỡ những rào cản về kỹ thuật nhằm tạo điều kiện giúp hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu. Mặt khác, tiếp tục đề nghị Trung Quốc mở cửa thị trường nhập khẩu chính ngạch nhiều loại quả tươi của Việt Nam hơn nữa, bà Nguyễn Thị Hà chia sẻ. 

Sở hữu vị trí địa lý là “cầu nối” quan trọng trên hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam), bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn cho biết, tỉnh sẽ tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, ưu tiên sản phẩm lâm nghiệp (hồi, cây gỗ lớn), chăn nuôi và các sản phẩm nông nghiệp (trái cây, rau…) theo hướng tập trung.

Bên cạnh đó, sản xuất hàng hóa đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất như VietGAP, GlobalGAP, dần hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất sạch, hữu cơ, sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái và thân thiện với môi trường để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. 

Ông Vị Hiện Cường, Sở Thương mại Quảng Tây (Trung Quốc) đánh giá, hoa quả là sản phẩm thế mạnh của hai nước nên việc tăng cường thương mại là rất quan trọng. Quảng Tây thực thi những chính sách tích cực nhằm khuyến khích xuất nhập khẩu, nhất là những mặt hàng đặc sắc của nông sản. Trong danh mục hỗ trợ nhập khẩu có nhiều loại trái cây của Việt Nam như: thanh long, nhãn… 

"Hai bên sẽ tiếp tục cải thiện vật chất tại khu vực cửa khẩu, trao đổi tin tức về tình hình hoa quả theo mùa, số lượng xe vận chuyển, tình trạng thông quan để cùng kịp thời điều chỉnh, hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên xuất nhập khẩu hàng hóa được thuận tiện hơn", ông Vị Hiện Cường nói. 

Dự báo nhu cầu nhập khẩu nông thủy sản phục vụ sản xuất và tiêu dùng của Trung Quốc tiếp tục tăng trong thời gian tới. Những ưu đãi thuế quan trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Trung Quốc (ACFTA) cũng như các cam kết quốc tế khác của Trung Quốc đã và đang tạo thuận lợi cho hàng nông, thủy sản của Việt Nam thâm nhập và mở rộng thị phần tại thị trường này. 

Vấn đề là các doanh nghiệp, đơn vị xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam cần tiếp tục duy trì các địa bàn truyền thống và thâm nhập địa bàn tiềm năng; các lực lượng chức năng cửa khẩu tiếp tục cải thiện cách thức thông quan hàng hóa nông sản Việt một cách thuận lợi nhất để tận dụng kết cấu hạ tầng thương mại biên giới, giảm giá thành, chi phí trong hoạt động kinh doanh thương mại hàng hóa qua biên giới. 

Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Thương mại nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần nhận ra rằng Trung Quốc là một thị trường bậc cao có sức lan tỏa, quy mô thị trường ngày càng lớn.

Do vậy, ngay bản thân từng chủ thể sản xuất từ khi gieo trồng, canh tác, chế biến… phải hướng đến các tiêu chuẩn trong sản xuất. Đây cũng là yêu cầu của bất kỳ thị trường nào đối với sản phẩm nông sản Việt Nam. 

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chuẩn hóa các tiêu tiêu chuẩn, quy chuẩn từng nhóm mặt hàng nông sản; cùng với đó là nâng cao khâu sơ chế, bảo quản; tổ chức phân phối sao cho bài bản, nhất là những nông sản có tính thời vụ cao như na, vải…

Bởi, nếu như không có hệ thống phân phối chuẩn thì ngay cả thị trường gần như Trung Quốc cũng rất khó có thể chinh phục./.

Bình luận của bạn