Nông sản xuất khẩu đang được giá
Trong số 9 mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam, có đến 6 mặt hàng có giá bán tăng cao hơn cùng kỳ, trong đó, tăng mạnh nhất là cao su và cà phê; ngược lại, hồ tiêu dù lượng xuất khẩu tăng nhưng nhưng giá trị lại giảm do giá giảm sâu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) năm nay, giá cà phê xuất khẩu bình quân trong 4 tháng đầu năm đạt 2.267 đô la Mỹ/tấn, tăng 33,5% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, mức tăng giá cao nhất lại thuộc về mặt hàng cao su với mức 2.016 đô la Mỹ/tấn, tăng gần 70% so với cùng kỳ. Vì thế, dù lượng cao su xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm ước đạt 353.000 tấn, giảm 1,5% về lượng, song giá trị thu về là 708 triệu đô la Mỹ, tăng 61,5% so với cùng kỳ.
Một mặt hàng khác vẫn giữ được mức giá tăng liên tiếp trong vài năm trở lại đây là điều nhân. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, lượng điều nhân xuất khẩu ước đạt 112.000 tấn, giá trị thu về là 1,1 tỉ đô la Mỹ, tuy giảm 9,5% về lượng nhưng lại tăng gần 13% về giá trị. Lý do là giá bán điều nhân của Việt Nam tăng với giá xuất khẩu bình quân trong 4 tháng đạt 9.407 đô la Mỹ/tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam, năm nay mặt hàng rau quả đã mang về cho Việt Nam 1,38 tỉ đô la Mỹ trong 5 tháng đầu năm, tăng 38% so với cùng kỳ.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong số 9 mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu chủ lực, có 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ đô la Mỹ.
Tuy có giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhất so với cùng kỳ nhưng cao su không nằm trong nhóm những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ đô la Mỹ. Góp mặt trong nhóm dưới 1 tỉ đô la Mỹ xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm nay còn có sắn (khoai mì), chè và hồ tiêu. Ngày 12-6 tại Tây Nguyên, giá hồ tiêu đang ở mức 72.000 -75.000 đồng/kg, thấp nhất kể từ năm 2010. Vì thế, thời gian qua, ở một số địa phương đã có hiện tượng người dân chặt bỏ cây hồ tiêu để chuyển sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Trong các cây công nghiệp, cao su đang có lợi thế vì giá đã tăng trở lại và có thể người dân sẽ chuyển từ cây tiêu sang cây cao su. Tuy nhiên, mới đây, Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên không mở rộng diện tích trồng cao su mà giữ nguyên diện tích đang có và cho khai thác mủ bằng biện pháp tăng năng suất.
Một lý do khác để Ban chỉ đạo Tây Nguyên không mở rộng diện tích trồng cao su nữa là do từ năm 2016, các tỉnh Tây Nguyên thực hiện chính sách đóng cửa rừng tự nhiên, không thực hiện chính sách chuyển đổi rừng nghèo kiệt thành rừng cao su.